19/01/2025 | 09:22 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp dừng kinh doanh vì dịch Covid-19: Có phải trả tiền thuê mặt bằng?

Cập nhật lúc: 17/03/2020, 16:55

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt khách sạn, cơ sở spa, quán bar trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa, hoặc dừng hoạt động hoàn toàn, đi kèm với đó là những nỗi lo của chủ cơ sở kinh doanh...

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt khách sạn, cơ sở spa, quán bar trên địa bàn Hà Nội phải đóng cửa, hoặc dừng hoạt động hoàn toàn, đi kèm với đó là những nỗi lo của chủ cơ sở kinh doanh, nhất là việc trả tiền thuê mặt bằng cao ngất ngưởng. Vậy, chủ cơ sở kinh doanh có được giảm tiền thuê mặt bằng không đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sự kiện bất khả kháng

Theo Luật Thương mại năm 2005, điểm b Khoản 1 Điều 294 quy định, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp “xảy ra sự kiện bất khả kháng”, nhưng Luật không giải thích cụ thể thế nào là sự kiện bất khả kháng.

Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".

Các luật sư cho rằng, đủ yếu tố pháp lý để có thể xác định DN dừng hoạt động vì dịch Covid-19 là “lý do bất khả kháng” và áp dụng Luật Thương mại năm 2005 “bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng”. (Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.vn)

Luật sư Hoàng Văn Doãn (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng) cho rằng, chiếu theo các quy định trên, có thể xác định dịch Covid-19 là “sự kiện bất khả kháng”. Cụ thể, mới đây, ngày 11/3, tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) chính thức tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19.

Tại Hà Nội, UBND TP đã yêu cầu tuyên truyên các quán bar, karaoke, vũ trường, games online, rạp chiếu phim, cơ sở massage, chương trình biểu diễn nghệ thuật, di tích lịch sử trên địa bàn tạm dừng hoạt động đến hết tháng 3/2020. Như vậy, đủ yếu tố pháp lý để có thể xác định DN dừng hoạt động vì dịch Covid-19 là “lý do bất khả kháng” và áp dụng Luật Thương mại năm 2005 “bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng”.

Chủ nhà vẫn lấy tiền mặt bằng là “trái đạo đức xã hội”

Anh Dương Văn Thanh - chủ của 2 cơ sở spa tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa khai trương tháng 12/2019 cho biết, dù vừa đầu tư mua sắm thiết bị hết hơn một tỷ đồng, mới khai trương kinh doanh được 2 tháng, nay phải dừng hoạt động.

Dù dừng hoạt động nhưng mỗi tháng vẫn phải trả gần 200 triệu đồng tiền thuê nhà. Anh Thanh liên hệ với chủ nhà đề nghị được giảm giá tiền thuê mặt bằng, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Đường cùng, anh đề nghị trả lại mặt bằng, lấy lại 3 tháng tiền đặt cọc, nhưng chủ nhà cho biết, nếu trả mặt bằng sẽ mất luôn 3 tháng tiền đặt cọc….

Về việc này, luật sư Hoàng Văn Doãn cho rằng, thông thường, trong các hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại có điều khoản thỏa thuận khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền về sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm. Do quyết định tạm dừng hoạt động chỉ trong ngắn hạn, khi hết dịch hoạt động trở lại, nên tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bên có thể thỏa thuận lại thời gian tiếp tục thực hiện hợp đồng, quyền, nghĩa vụ sau khi hết dịch.

Như trường hợp trên, người thuê mặt bằng kinh doanh gửi văn bản đến chủ nhà cho thuê, thông báo việc tạm dừng kinh doanh vì lý do dịch Covid-19, đây là lý do khách quan, bất khả kháng, đề nghị được giảm, hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa. Luật sư cũng cho biết thêm, nếu chủ nhà vẫn bắt buộc người thuê mặt bằng trả đầy đủ tiền thuê có thể coi đó là hành vi trái “đạo đức xã hội” theo Bộ luật Dân sự 2015, và giao dịch dân sự vô hiệu.

Điều 123, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.