22/11/2024 | 05:30 GMT+7, Hà Nội

Chống "giặc" Covid-19: Cần một thế giới phải đồng lòng và chung tay

Cập nhật lúc: 17/03/2020, 11:21

Những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trong khi châu Á với các tâm dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc đang được khống chế và dần đẩy lui dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra...

Những dấu hiệu rõ ràng cho thấy trong khi châu Á với các tâm dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc đang được khống chế và dần đẩy lui dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra thì đại dịch truyền nhiễm lại lây lan mạnh tại châu Âu, Mỹ khiến cho cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 còn cam go, khó lường.

Người dân châu Âu đã có thay đổi quan niệm và có chuyển biến về ý thức đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng để phòng dịch Covid-19

Bức tranh Covid-19 dần sáng màu ở châu Á, sẫm màu tại Âu, Mỹ

Bức tranh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang có sự chuyển màu rõ rệt khi châu Á với hai “tâm dịch” lớn nhất cách đây không lâu là Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần hiện lên gam màu sáng sủa thì châu Âu với thời gian ngắn trước đó còn lác đác dăm ba ca bệnh thì nay chìm dần trong gam sẫm màu. Thống kê mới nhất ngày 16-3 cho thấy, cả số trường hợp mắc bệnh và trường hợp tử vong vì Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt quốc gia từng là tâm dịch với hơn 80 nghìn ca bệnh và hơn 3.100 người tử vong.

Tính tới trưa 16-3, cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng 169.610 trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại 158 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 6.518 trường hợp tử vong. Cụ thể, số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) gây dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 80.860 và số ca tử vong là 3.208, trong khi đó, tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục là hơn 86.000 và số ca tử vong là 3.241.

Điều đáng nói là tốc độ lây lan và tử vong tại một số quốc gia châu Âu lên tới mức báo động đỏ. Trong đó, đáng lo ngại nhất vẫn là Italia khi đất nước hình chiếc ủng này đã phát hiện thêm tới 3.590 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ trong 24 giờ qua, một tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát trên thế giới tới nay, cao hơn thời đỉnh điểm dịch ở Trung Quốc, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Italia lên lên 24.747, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi đại dịch Covid-19 ở châu Âu. Giới chức y tế Tây Ban Nha cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua tại đây đã tăng với tốc độ rất cao là hơn 30% so với tổng số ca mắc Covid-19 khiến nước này ghi nhận thêm khoảng 2.000 ca mắc trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân lên 7.753 và số tử vong cùng thời gian cũng tăng thêm hơn 100 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong lên 228.

Đứng thứ ba và thứ tư tại châu Âu là Đức với 5.813 trường hợp mắc, 11 ca tử vong; Pháp 5.423 trường hợp mắc, 127 người tử vong. Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia châu Âu khác như: Thuỵ Sỹ, Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Áo, Bỉ… cũng đều có diễn biến rất phức tạp, khó lường với số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh.

Tại Mỹ, theo số liệu của trường Đại học John Hopkins, tính đến ngày 16-3, nước này đã ghi nhận 3.244 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 62 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, tại Trung Quốc liên tiếp trong những ngày vừa qua chỉ ghi nhận khoảng trên dưới 10 người mắc Covid-19 mới và con số tương tự người tử vong, đáng chú ý số ca mắc mới là người nước ngoài vào Trung Quốc nhiều hơn số ca mắc trong nước. Số ca mắc mới tại quốc gia từng là tâm dịch lớn thứ hai thế giới là Hàn Quốc cũng đang giảm khá nhanh.

Đồng lòng và chung tay hành động mạnh mẽ, quyết liệt

Thật không dễ để chỉ ra đâu là nguyên nhân khiến đại dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ đáng lo ngại tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, có những thực tế thấy rõ là khác với châu Á, đặc biệt là quốc gia tâm dịch Trung Quốc, khi cả thế giới đã nhận rõ được mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 thì giới chức và người dân châu Âu vẫn chưa có ý thức và biện pháp đủ mạnh để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm dễ lây lan này.

Tại các quốc gia Âu, Mỹ vẫn diễn ra các sự kiện tập trung rất đông người như các trận bóng đá, bóng rổ hay các trung tâm giải trí, quán bar… với hàng chục nghìn người tham gia. Việc triển khai xét nghiệm cũng chỉ được tiến hành với những trường hợp có dấu hiệu rõ ràng và nặng. Người dân cũng không được khuyến khích đeo khẩu trang khi tới nơi tập trung đông người, đặc biệt là tàu điện ngầm, xe buýt…

Với châu Á thì khác hẳn, kể từ khi chính thức công bố dịch Covid-19, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp rất mạnh tay, trong đó tập trung vào việc cách ly ngay, cách ly triệt để những người và khu vực có người nhiễm bệnh. Cả thành phố tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) với khoảng 11 triệu dân đã bị phong tỏa nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập” suốt hơn 2 tháng nay.

Nhiều thành phố khác của Trung Quốc, kể cả thủ đô Bắc Kinh và “trung tâm kinh tế” Thượng Hải, cũng đã bị đặt trong sự kiểm soát, phong tỏa ở các mức độ khác khau. Trung Quốc cho rằng xét nghiệm sớm để phát hiện trường hợp nhiễm bệnh để cách ly, phong tỏa là biện pháp quan trọng và hữu hiệu hàng đầu giúp nước này hiện đã cơ bản khống chế và đang đẩy lùi đại dịch đã khiến hơn 80 nghìn người mắc bệnh, hơn 3.100 người tử vong.

Việc dịch Covid-19 lây lan nhanh và phức tạp tại các quốc gia châu Âu, Mỹ đã khiến cho việc phòng chống đại dịch trên thế giới trở lên rất khó khăn trong bối cảnh thế giới thông thương và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, điều tích cực mở ra triển vọng thế giới có thể sớm khống chế và đánh bại “giặc” Covid-19 là sự thay đổi lớn về cách thức ứng phó với đại dịch ở châu Âu và Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong biện pháp đối phó được cho là rất mạnh mẽ, ngăn không cho dịch Covid-19 vượt tầm kiểm soát là ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn lực, đồng thời cấm nhập cảnh vào Mỹ công dân từ các quốc gia châu Âu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã kêu gọi hủy bỏ các sự kiện có từ 50 người trở lên trong vòng 8 tuần tới nhằm kiềm chế dịch bệnh, ban hành hướng dẫn mới khi các bang trên toàn nước Mỹ tuyên bố đóng cửa các quán bar và nhà hàng, một số bang đã đóng cửa trường học để ngăn chặn dịch lây lan…

Các biện pháp mạnh tay tương tự như hạn chế đi lại, phong tỏa các vùng có dịch, đóng cửa tất cả các quán bar, nhà hàng, các hộp đêm, rạp chiếu phim… cũng như cho học sinh nghỉ học đã được nhiều quốc gia châu Âu áp dụng. Tin rằng một khi cộng đồng thế giới cùng đồng lòng và chung tay hành động mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ ngăn chặn và đánh bại đại dịch Covid-19.