19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp dệt may trên sàn: Giảm chi phí và tìm "cửa thoát"

Cập nhật lúc: 07/11/2019, 10:30

Các doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận cho biết họ đã phải nỗ lực tiết kiệm chi phí tài chính, chọn lựa khách hàng trọng điểm và thay đổi chiến thuật sản phẩm...

Doanh nghiệp chuyên sợi cotton giảm lợi nhuận

Tập đoàn dệt may Việt Nam - Vinatex (mã VGT) báo lợi nhuận sau thuế quý III giảm 13% xuống 186 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng lãi sau thuế giảm 20% về 534 tỷ đồng.

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng của Vinatex cho thấy, đến tháng 9/2019, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Các đơn vị lớn như May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Hanosimex có đơn hàng đến tháng 11, chỉ có riêng Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm.

Hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới, đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.

Thị trường xuất khẩu Trung Quốc kém về khối lượng và giá cả, CTCP Dệt may Hà Nội (mã HSM) lỗ thuần hoạt động kinh doanh 25,5 tỷ đồng trong 9 tháng qua. CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân – Fortex (mã FTM) lỗ 3 quý liên tiếp. Sản phẩm chính của Fortex cũng là sợi cotton và đơn giá xuất khẩu từ đầu năm đến nay tiếp tục giảm mạnh so cùng kỳ.

Cũng trong quý III, Damsan (mã ADS) cho biết, giá bán thành phẩm sợi cotton bình quân giảm 30% và sản lượng sản xuất cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018. Do vậy, công ty này chỉ lãi hơn 300 triệu đồng trong quý. Lũy kế 9 tháng, ADS lãi 3,2 tỷ đồng, bằng 6% cùng kỳ.

CTCP Dệt may Thành Công (mã TCM), doanh thu xuất khẩu 9 tháng còn 2.455 tỷ đồng. Theo đó, lãi sau thuế 9 tháng giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018 khi đạt 154 tỷ đồng.

Trái với kỳ vọng ban đầu là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ góp phần gia tăng đơn hàng cho Việt Nam, tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã khiến sức mua giảm. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ giá giữa các đồng tiền biến động, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng các đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may.

Các chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng ngành dệt may đang chịu sức ép về nguồn cung khi phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc. Trong khi áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu không nhỏ. Dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế về giá nhân công so với một số nước. Ngoài ra, việc đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ cho ngành dệt may còn hạn chế dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh.

“Thị trường nào thức ấy”

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đối với ngành dệt may, về lâu dài, khi khoa học - công nghệ được áp dụng thì lợi thế về lao động sẽ không còn được duy trì. Trong khi đó, giá lao động ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực không còn dồi dào như trước đã gây áp lực không nhỏ cho DN.

Bộ Công Thương khuyến nghị, các đơn hàng liên tục thay đổi nên các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình.

Trên sàn chứng khoán, trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, nhưng vẫn có những doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhờ thay đổi chiến lược kinh doanh.

Chẳng hạn như, CTCP May mặc TNG (mã TNG) đã cơ cấu lại khách hàng, tập trung vào khách hàng lớn ngay từ đầu năm và thực hành tiết kiệm chi phí. Báo cáo 9 tháng đầu năm 2019 của TNG đạt 3.568 tỷ đồng doanh thu và 174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đều tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) – đơn vị chuyên sản xuất loại sợi tổng hợp polyester DTY và FDY, cho biết, sản phẩm sợi truyền thống tiêu thụ bị chậm lại và giá bán giảm dưới tác động bán phá giá từ Trung Quốc sang Việt Nam và các thị trường lân cận.

Do đó, đơn vị đã tăng cường tiêu thụ sản phẩm mới là sợi tái chế recycle để bù đắp. Nhờ vậy mà 9 tháng, doanh thu sợi truyền thống bị giảm 26% nhưng sợi tái chế tăng 114%. Doanh thu thuần 9 tháng qua của công ty này giảm nhẹ 7%, đạt 1.653 tỷ.

Ngoài ra, STK được hưởng lợi từ tỷ giá, chi phí tài chính giảm gần một nửa, lỗ chênh lệch tỷ giá cũng giảm. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của STK đạt 161 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến hết quý III/2019 lượng hàng tồn kho của Sợi Thế Kỷ tăng 46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên gần 556 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng nhẹ 2%, lên gần 2.163 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm 77,5 tỷ đồng xuống còn 1.133 tỷ đồng.

Quý III, CTCP May Sông Hồng (mã MSH) báo doanh thu hợp nhất đạt 1.223 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 20,3% lên 21,5% giúp lãi gộp tăng 8,5%.

Hoạt động tài chính kém hiệu quả hơn cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến lãi sau thuế của công ty tăng 7% đạt 138 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% đạt 3.456 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 31% đạt 357 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 92% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 9 tháng của Việt Nam ước đạt 29,24 tỷ USD, tăng 9,23% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch năm 2019. Mỹ đang là là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ đạt giá trị 11,5 tỷ USD, tiếp đến là EU 4,35 tỷ USD, Trung Quốc 3,12 tỷ USD và Nhật Bản 3,03 tỷ USD.

Tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra ở một số DN khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lo ngại mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 khó đạt được.