22/11/2024 | 06:22 GMT+7, Hà Nội

Vụ Big C ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam: Các doanh nghiệp có nên kiện Big C?

Cập nhật lúc: 04/07/2019, 12:50

“Các doanh nghiệp nên kiện Big C bởi việc hủy hợp đồng và ngưng mua hàng may mặc của Việt Nam trên nước Việt Nam là điều rất không bình thường”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Ngưng mua hàng may mặc của Việt Nam trên nước Việt Nam là điều rất không bình thường

Ngày 2/7, Central Group Việt Nam gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước.

Thông báo nêu: "Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019".

Việc tạm dừng đặt hàng của Central Group sẽ kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo. Phía tập đoàn cho biết, tất cả vấn đề phát sinh trước 2/7/2019 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại mà công ty đã ký với nhà cung cấp.

Cũng theo thông báo này: "Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan".

Trước thông tin gây sốc trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương và ông cũng rất ngạc nhiên khi biết quyết định này bởi hàng may mặc là một thế mạnh của Việt Nam đã xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới và được tín nhiệm rất cao.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương.

TS. Lê Đăng Doanh cũng đặt nghi vấn tại sao Big C trước đây có ký hợp đồng mua hàng rất nhiều năm giờ lại ngưng nhập hàng? Khi nhận được thông báo, các đơn vị may mặc của Việt Nam cũng đã có phản đối về quyết định này của Centra Group.

“Tôi rất mong việc các nhà sản xuất, kinh doanh hàng may mặc của Việt Nam có ký kết hợp đồng với Big C sẽ đưa việc này ra Hội đồng trọng tài hoặc tòa án để kiện đơn vị này, bởi việc hủy hợp đồng, ngưng mua hàng may mặc của Việt Nam trên nước Việt Nam là điều rất không bình thường. Trong khi, Big C chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng”, TS. Doanh chia sẻ.

Thông báo đột ngột của Big C càng khiến người từng đứng đầu Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ngạc nhiên về cách ứng xử trong kinh doanh của họ. Điều này khiến TS. Doanh lo ngại về việc có thể gây ra tác động xấu đối với người tiêu dùng và trong quan hệ kinh doanh của các bên trong thời gian tới.

Lời khuyên cho Big C và các doanh nghiệp Việt

Chiều 3/7, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện Central Group tại TP HCM để làm rõ về thông báo này. Sự việc quá bất ngờ khiến các đơn vị phản ánh họ bị tồn nguyên phụ liệu, đẩy hàng trăm công nhân rơi vào cảnh khó khăn, thất nghiệp.   

Không chỉ gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng ký kết cung ứng hàng may mặc cho Big C nên kiện đơn vị này, TS. Lê Đăng Doanh còn nhận định về những thiệt hại của doanh nghiệp Việt khi Centra Group chấm dứt việc nhập hàng.

Theo vị Tiến sĩ này, một thực tế chúng ta nhìn thấy ngay trước mắt, Big C là một chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam nên nó sẽ tác động tới các hãng may mặc của Việt Nam. Với các đơn vị mà Big C là khách hàng lớn nhất thì họ sẽ gặp khó khăn nếu Big C ngừng nhập hàng.

 Siêu thị Big C Việt Nam tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang.

 Siêu thị Big C Việt Nam tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang.

Để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra lời khuyên, hai bên nên rút kinh nghiệm trước mắt, các đơn vị may mặc hợp tác với Big C nên tiếp xúc với họ để nhận được lời giải thích thỏa đáng nhất. Trong trường hợp, hai bên không tìm tới được tiếng nói chung hay thỏa thuận mới thì có thể đưa ra Hội đồng trọng tài hoặc tòa án.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần hiểu một điều rằng, trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn luôn nhắc nhở không bao giờ được bỏ tất cả trứng vào trong một rổ. Nếu doanh nghiệp nào chỉ cung cấp hàng cho Big C và không có khách hàng khác thì doanh nghiệp đó phải nhanh chóng tìm kiếm một nguồn tiêu thụ khác ở trong nước và ngoài nước để tiếp tục việc kinh doanh của mình. Đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân doanh nghiệp.

Nhưng dù ra quyết định gì, vì lý do gì thì Big C cũng phải có một lời giải thích thỏa đáng vì sao lại không tiếp tục nhập hàng may mặc của Việt Nam”, TS. Doanh chia sẻ.

Trước các tình huống bất lợi như vậy, người Việt, doanh nghiệp Việt và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo để ngăn chặn tình trạng các huyết mạch kinh tế trên đất nước Việt Nam bị các yếu tố ngoại lai chiếm lĩnh phần lớn thị trường?

Big C là thương hiệu của tập đoàn phân phối bán lẻ Casino tại Thái Lan, Việt Nam và Lào. Được thành lập vào năm 1993 bởi công ty Central Group và mở cửa hàng đầu tiên của mình tại ngã tư Wong Sawang, Bangkok (Thái Lan). Hai năm sau, năm 1995, cổ phiếu Big C lần đầu tiên được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 Big C đã quyết định hình thành 1 liên minh với Tập đoàn Casino. Groupe Casino đã mua lại 530 triệu cổ phiếu của Big C trong đợt tăng vốn năm 1999 để trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Sau giao dịch này, Casino đã bán toàn bộ bộ dệt may của Big C, để tập trung vào thương mại bán lẻ và tăng cường hiệu quả của nó.

Vào cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Thái Lan - Central Group đã công bố thương vụ M&A có giá trị lên tới 1,1 tỷ USD khi mua lại thành công hệ thống Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino - Pháp. Đáng chú ý doanh nghiệp Thái chỉ mất có gần 2 tháng để hoàn thành thương vụ này nhưng với số tiền quá lớn, họ đã đánh bại hàng loạt các tên tuổi đình đám khác như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)...