19/01/2025 | 02:00 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp đề xuất phương án “hâm nóng” bất động sản nghỉ dưỡng

Cập nhật lúc: 20/03/2020, 19:00

Cộng đồng các doanh nghiệp đã đồng loạt đề xuất nhiều kiến nghị về chính sách thuế, quản lý nhà nước để có thể duy trì phát triển thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trước thách thức dịch Covid-19.

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt dịch Covid-19 là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể, thời gian vừa qua, hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc đã đóng cửa.

Vinpearl hiện đã đóng cửa 7 khách sạn, trong đó có khách sạn ở Nha Trang sẽ tạm ngưng hoạt động đến 31/3; 5 cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc tạm đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Sun Group cũng thông báo đóng cửa công viên châu Á - Sunworld Danang Wonders đến 30/4 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Doanh nghiệp hiện chỉ mở công viên Rồng - Dragon Parks tại Hạ Long vào cuối tuần để phục vụ nhu cầu (có thể có) của du khách.

Lãnh đạo Sun Group cho biết, gần hai tháng qua, lượng du khách đến với các khu du lịch Sun World đã sụt giảm mạnh. Sun World Fansipan Legend sụt giảm tới 70%, Sun World Ba Na Hills giảm 65%, Sun World Halong Complex giảm tới 85%.

Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 đang đẩy ngành du lịch vào khủng hoảng. Trung Quốc vốn là thị trường có dòng khách du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhưng lượng khách từ thị trường này cũng đã sụt giảm nghiêm trọng trong một tháng qua.

Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, trong tháng 2 vừa qua, lượng khách du lịch từ thị trường này đã giảm 62,4% so với tháng 2 năm trước và chỉ còn chưa đầy 200.000 khách.

Nhiều khách sạn, chuỗi khách sạn lớn đã treo biển giảm giá phòng 50 - 60%, miễn phí dịch vụ, tặng ưu đãi để hoạt động cầm chừng. Thiệt hại về doanh thu du lịch ước tính lên đến 7 tỷ USD.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, ngành du lịch Việt Nam đang trong tâm lý đón chờ sự tăng trưởng tích cực trong năm 2020 nhờ những sự kiện lớn như giải đua xe F1 tại Hà Nội thì đại dịch xảy ra.

Bên cạnh sụt giảm công suất khai thác phòng hiện tại, ông Mauro đánh giá, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong ngắn hạn. Hầu hết các nhà đầu tư đang cân nhắc cũng như theo dõi diễn biến tiếp theo của dịch bệnh trước khi quyết định xuống tiền.

Riêng với phân khúc condotel, cùng với sự sụp đổ của các cam kết lợi nhuận trong năm vừa qua, dịch bệnh sẽ trở thành cú sốc "đóng băng" hoàn toàn thị trường này trong thời điểm hiện tại.

Lĩnh vực bán lẻ, trung tâm thương mại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi hoạt động kinh doanh ế ẩm do người dân e ngại việc tập trung đông người. Các khu vực mua sắm, ăn uống thường ngày sôi động, tấp nập, nay cũng lâm vào tình cảnh vắng vẻ.

Thống kê sơ bộ tại TP.HCM cho thấy, so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40 - 50%. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20 - 30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm giảm tới 40%.

Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay, quay vòng lãi suất để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Theo đó, VNREA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch. Cụ thể, VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế. Ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Không những thế, đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế giá trị gia tăng và lùi thời gian nộp thuế.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng việc miễn visa cho khách quốc tế tới Việt Nam nhằm giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa từ đó nâng cao sức thu hút của ngành du lịch. Những khó khăn, vướng mắc khác liên quan đến quy định, chính sách pháp luật ở thị trường bất động sản cũng cần được hỗ trợ tháo gỡ.

Trước tình hình khó khăn, lãnh đạo Tập đoàn Sungroup đề nghị Chính phủ có chiến dịch kích cầu du lịch trong nước và quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông Việt Nam an toàn; các địa phương áp dụng miễn giảm giá vé tham quan danh lam thắng cảnh để kích cầu du lịch.

Nhiều điểm du lịch trong nước vắng tanh vì dịch bệnh

Lãnh đạo Tập đoàn FLC kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu đãi đối với các dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn hơn 10 nghìn tỷ đồng; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Lãnh đạo Vietravel kiến nghị Chính phủ cần phân loại theo từng nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ chứ không phải rải đều. Các ngành hàng không, du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dòng tiền bị gián đoạn. Chính phủ cần coi du lịch thật sự là một ngành kinh tế mũi nhọn để có các chính sách ứng xử phù hợp. Hiệp hội nghề nghiệp cần thể hiện vai trò, hỗ trợ mạnh các doanh nghiệp.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC cho biết doanh nghiệp đang giảm sâu giá vé máy bay, trong khi vẫn phải thanh toán lệ phí dịch vụ tại sân bay. Vị này đề xuất giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toãn, giảm giá xăng dầu.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…

Theo giới chuyên gia, giai đoạn hiện nay, thay vì quá hoang mang lo lắng, doanh nghiệp nên cố gắng cầm chứng với các biện pháp an toàn để bảo toàn sức lực, rồi tạo đà vươn lên sau mùa dịch. Vẫn còn quá sớm để “bắt mạch” đầy đủ tình hình khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp nội nhưng nhìn vào áp lực chi phí thì có thể thấy việc tụt dốc vẫn ở “mức độ an toàn”.

Riêng vấn đề cắt giảm chi phí, giới chuyên gia khuyên các doanh nghiệp cần sớm rà soát lại các loại chi phí lớn và cắt giảm những gì có thể để tồn tại. Chẳng hạn chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng đòi hỏi doanh nghiệp phải đàm phán giảm giá ngay hoặc có thể chuyển sang làm việc và kinh doanh trực tuyến để cắt chi phí đắt đỏ giữa mùa dịch này.