28/01/2025 | 02:10 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp chuyển trạng thái phục hồi sản xuất sau đại dịch

Cập nhật lúc: 29/09/2021, 06:15

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ đại dịch, vào thời điểm này, các doanh nghiệp lớn đang phải đẩy mạnh tăng công suất hoạt động nhằm đáp ứng các đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Đảm bảo phòng dịch an toàn để sản xuất

Ngay từ đầu tháng 9-2021, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã “vùng xanh” theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của UBND TP Hà Nội đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Văn Thược, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại phụ kiện may Tam Niên (Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai) chia sẻ, đơn vị có 140 lao động, chủ yếu có nhà ở hoặc thuê ở hai huyện. Đến nay, đơn vị đã được huyện phê duyệt phương án sản xuất an toàn, cho phép 70% lao động trở lại làm việc, song phải bảo đảm chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch và hai phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”, để công nhân yên tâm lao động. Công ty đã có hơn 90% lao động được tiêm vaccine.

Theo đại diện Công ty TNHH B. Braun Việt Nam (Cụm Công nghiệp Thanh Oai), công ty đã quay trở lại hoạt động 100% công suất. Để bảo đảm sản xuất an toàn, tất cả công nhân của công ty đều được làm xét nghiệm PCR 3 ngày/lần và tiếp tục thực hiện “1 điểm đến, 2 cung đường”. Bên cạnh đó, công ty đã được UBND huyện Thanh Oai hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Hiện, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang khả quan hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành thuỷ khu vực này cũng nhanh chóng đẩy nhanh quá trình phục hồi xuất. Vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) tại tỉnh Sóc Trăng đã lấy ngày 21/9 là dấu mốc “phục hồi hoàn toàn công lực và trở lại đường trường, tăng tốc cho đích hoàn thành kế hoạch 2021”. FMC đang nỗ lực thu thêm lao động các vùng an toàn (xanh và vàng) đến làm việc nhằm tăng tốc hoàn thành các đơn hàng năm 2021, nhằm đạt 200 triệu USD doanh số và 250 tỷ đồng lợi nhuận.

Còn tại Công ty cổ phần Nam Việt, sau gần hai tháng thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”, doanh nghiệp này đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là duy trì sản xuất và bảo đảm không để dịch lây lan vào nhà máy. Cụ thể, Nam Việt đang thực hiện “3 tại chỗ” với 2 nhà máy là Ấn Độ Dương (Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và nhà máy Nam Việt (Long Xuyên, An Giang).  Ban lãnh đạo Nam Việt cho rằng yếu tố quyết định trong việc duy trì hoạt động giữa thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay chính là tiêm vaccine. Vì vậy, đối với lượng lao động “3 tại chỗ”, hiện 100% công nhân đã được tiêm mũi 1 và 35% công nhân đã được tiêm mũi 2. Công ty hoàn tất việc tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ lao động trong quý 3. Đây là tiền đề tạo sự bức phá cho Doanh nghiệp dù cho tình hình dịch bệnh có diễn biến kéo dài.

Bảo đảm thu nhập, ‘giữ chân’ người lao động

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lixil Việt Nam cho biết, trước những khó khăn hiện hữu, Công ty vẫn đang "gồng mình" nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất. Để giữ việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, đối với những trường hợp người lao động đang phải thực hiện cách ly, phong tỏa, Công ty trả 70% lương. Với những bộ phận thực hiện “3 tại chỗ”, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí phòng ốc, trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cho công nhân, Công đoàn đề xuất Ban Giám đốc hỗ trợ công nhân từ 150.000-300.000 đồng/người, ngoài việc hưởng 100% mức lương theo quy định.

Tương tự, kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Xí nghiệp quản lý Cụm công trình đầu mối Yên Sở có khoảng 200 công nhân thực hiện “3 tại chỗ” nhằm giữ tuyệt đối an toàn cho các trạm bơm, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời cho thành phố Hà Nội trong bất kì trường hợp nào.
Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, khi thực hiện “3 tại chỗ”, Xí nghiệp đã xây dựng các phương án dự phòng, chuẩn bị sẵn bếp ăn, kho lương thực, thực phẩm, chỗ ngủ, test nhanh COVID-19 thường xuyên và đăng ký tiêm vaccine cho người lao động. “Xí nghiệp cố gắng bảo đảm lương và chế độ hỗ trợ cho người lao động.  Để công nhân an tâm sản xuất, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo các vật dụng cần thiết, Xí nghiệp còn hỗ trợ người lao động 3 bữa ăn/ngày và thêm các khoản phụ cấp khác ”, ông Phạm Ngọc Toàn cho hay.

Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, các địa phương, các cơ quan chức năng cũng đang tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, trong đó Bộ LĐ-TB&XH hướng vào giúp đỡ những đối tượng này được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới.  Đặc biệt, nhằm hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động nặng nề đến người lao động, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư Quỹ với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.

Nguồn: https://baodansinh.vn/doanh-nghiep-chuyen-trang-thai-phuc-hoi-san-xuat-sau-dai-dich-20210928085524.htm