25/11/2024 | 16:53 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng vọt

Cập nhật lúc: 01/12/2020, 09:50

Từ đầu quý IV/2020, thị trường bất động sản dần “ấm” lên khi khách hàng bắt đầu rục rịch quay trở lại giao dịch. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản thành lập mới gia tăng.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê (GSO) cho biết, trong tháng 11, cả nước có gần 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 285.000 tỷ đồng và gần 120.000 lao động.

Tuy số lượng doanh nghiệp chỉ tăng khoảng 7% so với tháng trước nhưng tổng vốn đăng ký mới tăng tới hơn 72% và lao động thuê làm việc tăng hơn 65%. Còn so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 11 tăng gần 7% với số vốn đăng ký gấp đôi và lao động tăng 6%.

Những con số này cho thấy doanh nghiệp đang trên đà hồi phục hậu Covid-19, tháng 11 cũng ghi nhận sự thành lập của doanh nghiệp với quy mô lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp thành lập mới, vẫn giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp lập mới tăng gần 22%. Xét về lao động làm việc cho các doanh nghiệp thành lập mới, con số 11 tháng đầu năm nay vẫn giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11 tăng 5,4% so với tháng trước và tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, có 40.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Theo đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đạt 165.100 doanh nghiệp, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của GSO đánh giá, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng vọt.

Số doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 31% so với cùng kỳ năm trước còn số doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tăng 10%. Các ngành còn lại đa phần đều có số doanh nghiệp thành lập mới tương đương hoặc giảm so với cùng kỳ.

Trong 11 tháng có gần 93.500 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác, vận tải, kho bãi...

Đáng chú ý một báo cáo mới đây từ Bộ Xây dựng cho hay, tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cùng với hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập. Theo Bộ Xây dựng, sau hai đợt dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn song các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.

Ngoài ra, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng dù dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nhưng với Việt Nam gần 2 tháng nay không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, là một yếu tố quan trọng để thị trường phục hồi, gia tăng số doanh nghiệp, sàn giao dịch thành lập mới. Vào thời điểm này các chủ đầu tư cũng mở bán hàng loạt dự án với hàng ngàn căn hộ. Theo đó, để bán lượng sản phẩm này, cần một đội ngũ bán hàng lớn và những doanh nghiệp môi giới bất động sản, liên quan đến lĩnh vực bất động sản ra đời là điều tất yếu.

Cùng với đó, kể từ ngày 01/01/2021 Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực với điều khoản sẽ không còn bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên. Với quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản (vốn ít vẫn được phép kinh doanh).