20/01/2025 | 02:52 GMT+7, Hà Nội

Đô thị và hạ tầng xanh: Xây dựng tương lai bền vững cho Việt Nam

Cập nhật lúc: 04/10/2024, 08:08

Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh chóng đang đặt ra không ít thách thức về môi trường và chất lượng sống tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chiều ngày 3/10, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024, hội thảo chuyên đề "Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh" đã diễn ra thành công. Hội thảo tập trung đánh giá vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị và hạ tầng xanh trong việc cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và kiến tạo cuộc sống chất lượng hơn tại các đô thị Việt Nam.

Quy hoạch bền vững là nền tảng thúc đẩy công trình xanh

Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đã tăng từ 20,3% năm 1990 lên 37,5% năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2030. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan xuống 30% và đạt được mức phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, quá trình này cũng kéo theo nhiều thách thức cho các đô thị lớn.

Tại hội thảo, TS. KTS. Tạ Quốc Thắng từ Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ về những thách thức mà đô thị hóa đặt ra cho các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Đó là tình trạng thiếu đất canh tác, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường do chất thải đô thị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Ông Thắng cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân trong việc nâng cao nhận thức và phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Theo số liệu thống kê đến quý II/2024, Việt Nam có tổng cộng 476 công trình xanh với tổng diện tích sàn đạt chứng nhận xanh là 11,489 triệu m2. Trong đó, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 37,8%), tiếp theo là công trình nhà ở (hơn 36,3%), công trình văn phòng (11,88%) và cơ sở lưu trú (6,52%).

TS. KTS. Tạ Quốc Thắng từ Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) trình bày tham luận tại hội thảo.

TS. KTS. Tạ Quốc Thắng nhấn mạnh: "Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào công trình xanh, cần có sự chung tay góp sức và những giải pháp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan. Đặc biệt, quy hoạch, kiến trúc đô thị xanh và bền vững là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam".

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, công tác quy hoạch đô thị đang dần hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính đến nay, đã có 40/63 tỉnh thành trên cả nước ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, có 12/63 tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh, làm cơ sở để rà soát và lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, 19/63 tỉnh đã chủ động rà soát, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, cũng như các chương trình, dự án phát triển đô thị.

"Để công trình xanh thực sự phát triển, cần có sự chung tay góp sức từ mọi thành phần trong xã hội. Chủ đầu tư và người sử dụng cần nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh, đồng thời hiểu rõ cách vận hành hiệu quả. Đặc biệt, cần cân bằng lợi ích của các bên liên quan để hướng tới một lối sống xanh bền vững, từ đó phát huy đúng giá trị nhân văn của công trình xanh", TS. KTS. Tạ Quốc Thắng cho hay.

Phiên thảo luận với sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Hạ tầng xanh - "lá phổi" cho đô thị

Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ nhiều nội dung về không gian hạ tầng xanh và các giải pháp kỹ thuật được thiết kế, xây dựng nhằm cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các yếu tố đa dạng của hạ tầng xanh bao gồm: không gian xanh (công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố, vườn trên mái, tường xanh...), hệ thống thoát nước bền vững (hồ điều hòa, kênh rạch, mương thoát nước kết hợp không gian xanh, hệ thống thu gom nước mưa...).

Hạ tầng xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đô thị như cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao sức khỏe cộng đồng và nâng cao giá trị bất động sản. Cụ thể, cây xanh giúp hấp thụ CO2, lọc bụi, giảm ô nhiễm không khí, điều hòa khí hậu, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Hệ thống thoát nước và không gian xanh giúp giảm thiểu ngập úng, xói mòn, sạt lở đất. Không gian xanh cũng là nơi để người dân vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, giảm căng thẳng. Các khu vực có hạ tầng xanh phát triển thường có giá trị bất động sản cao hơn.

Hạ tầng xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đô thị. (Ảnh minh họa)

Theo ThS. Lê Thúy Hà, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, việc phát triển đô thị xanh bền vững đòi hỏi một hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt hiệu quả sinh thái cao. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch hạ tầng đô thị với tầm nhìn dài hạn từ 30 - 50 năm và quan điểm thân thiện với môi trường, bởi cơ sở hạ tầng đô thị thường có tuổi thọ dài và khó thay đổi sau khi xây dựng.

"Một hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị bền vững sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính, góp phần tạo nên các đô thị xanh và đáng sống", ThS. Lê Thúy Hà nhận định.

Tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty Tư vấn quốc tế enCity, cũng đã chia sẻ 5 bài học quan trọng trong việc quy hoạch hạ tầng xanh để kiến tạo đô thị đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Hải, mỗi đô thị cần khai thác cảnh quan đặc trưng để tạo nên môi trường sống khác biệt. Đồng thời, việc kết nối hệ sinh thái sẽ gia tăng khả năng tiếp cận không gian xanh cho cư dân và gia tăng sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần tích hợp hạ tầng chống ngập với hệ thống không gian xanh, "thêm không gian cho nước" và "thêm không gian xanh" thông qua các giải pháp quản lý đô thị hiệu quả.

Từ những phân tích nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo, có thể khẳng định việc xây dựng đô thị xanh, với hệ thống hạ tầng xanh đồng bộ và hiệu quả, là mục tiêu chung mà Việt Nam cần hướng tới trong tương lai./.

Nguồn: https://reatimes.vn/do-thi-va-ha-tang-xanh-xay-dung-tuong-lai-ben-vung-cho-viet-nam-202241003164707251.htm