22/11/2024 | 08:34 GMT+7, Hà Nội

Điều chỉnh quy hoạch phố cổ Hà Nội: Chiều cao tối đa 16m

Cập nhật lúc: 23/03/2021, 16:00

Các quận nội thành sẽ phát triển theo hướng hạn chế nhà cao tầng, không tăng dân số; khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m) là những nội dung trọng điểm trong đồ án quy hoạch mà TP Hà Nội công bố.

Được biết, sáng ngày (22/03), TP Hà Nội công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong 4 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Tổng diện tích 4 quận nội đô này là 2.709 ha, với dân số hiện tại gần 900.000 người. 

Với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm 215.000 người (từ gần 900.000 người xuống còn 672.000 người). Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, kế hoạch này là hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn khi sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành.

Theo đó, khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16m. Khu phố cũ được phép xây từ 4-6 tầng (16-22m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5-7 tầng (20-25m).

Phố cổ Hà Nội chỉ được phép xây nhà cao đến 4 tầng
Theo Đồ án quy hoạch mới, Phố cổ Hà Nội chỉ được phép xây nhà cao đến 4 tầng

Khu vực phố cổ (thuộc quy hoạch phân khu H1-1A) được xác định là khu vực đô thị có giá trị về lịch sử và văn hóa, với các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng...

Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (thuộc quy hoạch phân khu H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, với chức năng chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở...

Khu phố cũ (thuộc quy hoạch phân khu đô thị H1-1C và một phần các quy hoạch phân khu H1-2, H1-3, H1-4) là khu đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu của khu vực này là di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính...

Khu vực hạn chế phát triển là phần còn lại của các quy hoạch phân khu H1-2, H1-3, H1-4 sẽ hạn chế phát triển nhà ở cao tầng.

Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội.​​​​​ Mục đích của việc sáp nhập này là BQL sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tổ chức trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khu phố cổ Hà Nội và bảo vệ không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm; thực hiện công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá các giá trị khu phố cổ Hà Nội, lịch sử văn hóa Hồ Gươm; tiếp nhận, quản lý và khai thác một số di tích, công trình kiến trúc cổ đã được tu bổ, trùng tu; kêu gọi đầu tư và lập Quỹ bảo tồn khu phố cổ Hà Nội; khôi phục lại các phố nghề, làng nghề, lễ hội truyền thống khu phố cổ Hà Nội…

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/dieu-chinh-quy-hoach-pho-co-ha-noi-chieu-cao-toi-da-16m-20201231000001333.html