19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Điều cấm kỵ với người mắc bệnh đột quỵ

Cập nhật lúc: 08/01/2019, 16:41

Trong những ngày vừa qua thời tiết rét đậm đã khiến bệnh nhân đột quỵ nhập viện gia tăng. Đặc biệt, do được đưa đến BV muộn, mất đi quãng “thời gian vàng” nên bệnh nhân đã giảm đi cơ hội tiếp cận kỹ thuật cao và cơ hội phục hồi tối ưu.

TS-Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu-A9, BV Bạch Mai cho biết: Trong 4 ngày nghỉ lễ, trong tổng số 130-140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30-40 bệnh nhân đột quỵ.

Vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10%-20% so với ngày thường. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: Tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ.

Theo PGS-TS. Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai: Đột quỵ là hiện tượng bệnh nhân đột ngột, xảy ra các dấu hiệu rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, mất thị lực, liệt nửa cơ thể 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn và các biểu hiện chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

dieu cam ky voi nguoi mac benh dot quy

Bệnh nhân nhập viện do đột quỵ gia tăng do thời tiết chuyển rét đậm. Ảnh: Đ.H

3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ gồm: Người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo; đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

Khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là Gọi 115. Khi gọi 115 người bệnh sẽ được cấp cứu ban đầu và 115 sẽ giúp bạn đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị tốt nhất, chuyên sâu về đột quỵ.

Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.

Bệnh nhân bị đột quỵ thường ảnh hưởng nhiều tới hô hấp. Do đó việc tiếp theo, người nhà phải dùng chiếc khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh ra ngoài.

Nếu người bệnh bị co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân. Việc quấn vải quanh đũa để người bệnh khỏi bị cắn vào lưỡi. “Các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột quỵ”, TS. Mai Duy Tôn nhấn mạnh.

TS-Nguyễn Văn Chi cảnh báo, thói quen nguy hiểm của nhiều người Việt Nam là khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An Cung. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh bởi khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt.

“Việc uống nước còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến việc nuốt viên thuốc, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh. Vì vậy, khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, TS. Chi cảnh báo.

TS-bác sỹ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu cho biết, cách đơn giản nhất để ai cũng có thể nhận biết được dấu hiệu đột quỵ là yêu cầu người bệnh nói-cười-giơ tay, chân. Nếu có 1 trong 3 biểu hiện sau đây cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu trong “thời gian vàng”: Nói có biểu hiện ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được; cười mồm méo, lệch một bên; không giơ được tay lên để chào hoặc giơ hai tay lên ngang vai nhưng 1 bên tay bị sệ hơn. Nhấc chân lên nhưng không nhấc được hoặc nhấc khó…

Thời điểm giao mùa, thời tiết đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh chính là lúc người bệnh dễ mắc đột quỵ, đặc biệt đối với các bệnh nhân có các bệnh lý nền như huyết áp, tim gmạch thì nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn.

Vân Hà