22/01/2025 | 16:56 GMT+7, Hà Nội

Điểm danh những công trình hiện đại thay đổi diện mạo Thủ đô

Cập nhật lúc: 18/02/2021, 13:30

Nhà Quốc hội, cầu Nhật Tân, tòa nhà Keangnam, Lotte, khu đô thị Royal City, công viên Hòa Bình hay sân vận động Quốc gia Mỹ Đình... là những công trình quy mô, tầm cỡ, mang lại diện mạo hiện đại cho thủ đô Hà Nội.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Trung tâm Hội nghị Quốc gia có địa chỉ tại số 57 đường Phạm Hùng (Hà Nội). Nơi đây được coi là tổ hợp công trình đa năng lớn nhất tại Thủ đô và thuộc vào loại lớn, hiện đại trong khu vực Đông Nam Á. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 11/2004, hoàn thành sau 22 tháng thi công trên tổng diện tích 64.000m2, vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Không chỉ là công trình trọng điểm của đất nước, Trung tâm Hội nghị Quốc gia còn có ý nghĩa lịch sử và chính trị to lớn với kiến trúc hài hòa, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trang trọng, vừa hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa mang đậm tính dân tộc. Trung tâm Hội nghị Quốc gia được xem như một biểu tượng về kiến trúc của Việt Nam trong thế kỷ mới.

Sự kiện đầu tiên được tổ chức tại đây là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tháng 12/2006. Nơi đây sau đó trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện trọng đại về chính trị, văn hóa, khoa học... của đất nước. Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 25/1 - 1/2/2021.

Nhà Quốc hội

Nhà Quốc hội hay Tòa nhà Quốc hội Việt Nam được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ (trên đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội). Công trình khởi công tháng 10/2009 và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 20/10/2014, tại Buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

Tòa nhà Quốc hội có hướng nhìn ra Quảng trường ba Đình và đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế bên tòa nhà có một khu di tích nổi tiếng là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Năm 2014, Nhà Quốc hội Việt Nam đã đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

Nhà Quốc hội
Nhà Quốc hội

Công trình cao 39m, có kiến trúc hình vuông, hội trường lớn hình tròn ở giữa; tòa nhà gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000m2.

Hiện đại, uy nghi, Nhà Quốc hội không chỉ là công trình có kiến trúc độc đáo vì đã kết hợp được hơi thở kiến trúc đương đại mà còn pha lẫn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, là biểu tượng của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao.

Cầu Nhật Tân 

Cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù thì cầu Nhật Tân cũng ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đây là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội.

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17km; trong đó phần cầu chính dài 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5km) và phần cầu dẫn dài 5,27km. Trong điều kiện đường trên cầu thông thoáng, các phương tiện giao thông chỉ mất từ 10 - 15 phút để qua cầu, sang đến bờ bên kia.

Cầu Nhật Tân 
Cầu Nhật Tân 

Cây cầu nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ bên này sông. Có điểm đầu là phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỷ đồng. Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3/2009, phải mất tới gần 6 năm, đến tháng 1/2015, cây cầu mới hoàn thành.

Cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội. Công trình này không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, là cây cầu kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.

Sân vận động Mỹ Đình

Nằm tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), cách trung tâm Hà Nội 10km về phía tây nam, sân vận động Mỹ Đình có sức chứa lớn thứ nhì Việt Nam, hơn 40.000 chỗ ngồi (chỉ sau sân vận động Cần Thơ với sức chứa 50.000 người). Đây cũng là tổ hợp sân vận động hiện đại nhất Việt Nam với tổng chi phí xây dựng lên tới gần 53 triệu USD.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình

Sân vận động Mỹ Đình chính thức hoạt động vào ngày 2/9/2003 với trận đấu đầu tiên giữa đội tuyển U23 Việt Nam và câu lạc bộ Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc). Nơi đây từng diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 năm 2003 và nhiều sự kiện thể thao, văn hóa lớn của đất nước.

Công viên Hòa Bình

Năm 2000, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Để tạo dựng một biểu tượng, thành phố đã quyết định xây dựng công viên mang tên Hòa Bình rộng trên 20ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (lúc đó là huyện Từ Liêm).

Công viên Hòa Bình
Công viên Hòa Bình

Công viên được cho là hiện đại nhất Thủ đô khánh thành ngày 8/10/2010 đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tòa nhà Keangnam Hanoi

Nằm ở phía Tây của thủ đô (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tòa nhà Keangnam Hanoi (Keangnam Hanoi Landmark Tower) là một khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại lớn cao nhất Việt Nam với 72 tầng. 

Tòa nhà Keangnam Hanoi
Tòa nhà Keangnam Hanoi

Công trình trị giá 1 tỷ USD được khởi công ngày 25/8/2007 với tổng diện tích gần 610.000m2. Dù có nhiều câu chuyện lùm xùm bên lề, nhưng không thể phủ nhận, với chiều cao 336m (khi vừa hoàn thành, đây là tòa nhà cao thứ 17 trên thế giới và cao nhất Việt Nam ở thời điểm đó) Tòa nhà Keangnam Hanoi được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng về xây dựng cũng như ngành công nghiệp dịch vụ, những ngành đang thúc đẩy sự phát triển của TP. Hà Nội.

Tòa Lotte Center Hanoi

Tòa nhà Lotte Center Hanoi khánh thành vào dịp 2/9/2014. Tòa nhà 65 tầng (267m) này trở thành công trình cao thứ nhì ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 400 triệu USD.

Tòa Lotte Center Hanoi
Tòa Lotte Center Hanoi

Lotte Center Hanoi nằm ở góc ngã tư Liễu Giai - Đào Tấn (quận Ba Bình), sừng sững vươn mình giữa nội đô Hà Nội. Tòa nhà bao gồm đầy đủ các dịch vụ văn phòng, khách sạn, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại và giải trí. Lotte Center Ha Noi cùng Keangnam Landmark Tower đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị và kinh tế của thủ đô.

Khu đô thị Royal City

Khu đô thị Royal City là một trong những khu đô thị hiện đại đầu tiên của Hà Nội. Được khởi động từ năm  2010 và chính thức nhận mặt bằng vào tháng 5/2011, sau 30 tháng thi công, Royal City cùng với khu TTTM Vincom Mega Mall đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành một trong những khu đô thị lớn và sầm uất nhất Thủ đô.

Khu đô thị Royal City
Khu đô thị Royal City

Việc Vincom Mega Mall Royal City đi vào hoạt động đã tạo dấu ấn mới cho thị trường bán lẻ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, là khu TTTM trong lòng đất lớn nhất Châu Á, đánh dấu sự phát triển mới của lĩnh vực này. 

Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội, cầu Nhật Tân, sân vận động Mỹ Đình, công viên Hòa Bình, Lotte Center Ha Noi, Keangnam Landmark Tower hay khu đô thị Royal City... đều là những công trình hiện đại, quy mô và tầm cỡ, mang lại diện mạo hiện đại cho Thủ đô Hà Nội, để không chỉ là những biểu tượng mới mà còn là bằng chứng sáng giá cho những bước phát triển mới của đất nước. 

Nguồn: https://reatimes.vn/diem-danh-nhung-cong-trinh-hien-dai-cua-thu-do-ha-noi-20201224000000609.html