17/04/2024 | 00:55 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Thủ đô đạt kết quả quan trọng, toàn diện

Cập nhật lúc: 29/12/2020, 15:24

Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô đạt kết quả quan trọng, toàn diện.

Năm 2020 với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, TP Hà Nội thực hiện “mục tiêu kép”-vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng; thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội…

Kết quả, TP đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đó là đánh giá được nêu tại báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong ngày 28 và 29-12.

Theo đó, trong năm 2020 TP Hà Nội đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều giải pháp tổng hợp để phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện. Đến nay, đã qua trên 100 ngày trên địa bàn không ghi nhận thêm ca nhiễm ngoài cộng đồng, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, TP vẫn duy trì đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. TP đã hoàn thành hỗ trợ 2 đợt các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 số tiền trên 600 tỷ đồng. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.

TP thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV. Tăng trưởng GRDP năm 2020 ước đạt 3,98%, là mức cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước.

Kinh tế Thủ đô đạt kết quả quan trọng, toàn diện

Cụ thể, ngành công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng khá, đạt 6,39%, trong đó công nghiệp tăng 4,91%. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, ngành chế biến chế tạo chiếm trên 90%. Ngành xây dựng tiếp tục tăng cao, đạt 8,90%; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực (93%); đã khởi công một số công trình lớn và hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì. Cung ứng hàng hóa được đảm bảo ổn định ngay cả dịp Tết và hai đợt dịch Covid-19 bùng phát. TP thực hiện tốt kích cầu thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa với các tỉnh, TP. Các chỉ tiêu phát triển thương mại đều tăng so với năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, ước trung bình cả năm tăng khoảng 2,73- 2,79%.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 4,20%-cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực, có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ huyện đạt nông thôn mới là 72,2%, xã nông thôn mới là 96,3%.

Bên cạnh đó, cân đối thu-chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thu ngân sách ước đạt  280.500 tỷ đồng, vượt dự toán.. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán đầu năm (đạt 91,5% dự toán điều chỉnh).

Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, TP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.

Cùng đó, các hoạt động văn hóa, giáo dục được duy trì. Đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và các ngày lễ, kỷ niệm lớn: 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội... Chất lượng giáo dục tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,17%.

Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân…

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-12, vào cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị bước vào năm đầu giai đoạn mới. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh.

Thủ tướng nêu, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và DN, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định… Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên...

Tại Hội nghị các thành viên Chính phủ đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021…

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/vuot-qua-dai-dich-covid-19-kinh-te-thu-do-dat-ket-qua-quan-trong-toan-dien-222314.html