19/01/2025 | 19:21 GMT+7, Hà Nội

2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2021

Cập nhật lúc: 25/12/2020, 07:28

Ở kịch bản lạc quan, nếu vacxin chống Covid-19 hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát quy mô toàn cầu thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8-7% như một số tổ chức quốc tế dự báo thời gian qua.

2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 2021

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ luỵ song nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là “điểm sáng” khi đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch thách thức toàn cầu trong năm 2020.

Vậy nền kinh tế sẽ ra sao khi bước sang năm 2021? Một điểm tích cực nhen nhóm đó là hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế thế giới gần đây đều có chung nhận định nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm mới.

Trao đổi với PV Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng ra sao trong năm tới phụ thuộc rất nhiều vào việc toàn cầu có khống chế được Covid-19 không. Nhiều nước đã có vacxin, nhưng liệu vacxin được tiêm mức độ khả năng kiểm soát ra sao, có lo ngại chủng mới xuất hiện hay không là những lo ngại “đe doạ” tăng trưởng kinh tế cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Vị chuyên gia đưa ra hai kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, nếu vacxin hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát quy mô toàn cầu thì tăng trưởng sẽ ở mức khả quan với 6,8-7% như một số tổ chức quốc tế dự báo. “Mức tăng trưởng này hoàn toàn có khả thi”, ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

Ngược lại ở kịch bản xấu hơn, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát mức độ toàn cầu, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ cứ như hiện nay đến khoảng tháng 4,5 năm sau hoặc xấu hơn do doanh nghiệp không thể tiếp tục chống chọi được.

Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Việt Nam trong những năm qua phụ thuộc rất nhiều vào khu vực dịch vụ. Sang năm 2020, các khu vực dịch vụ như du lịch, nhà hàng khách sạn… đều bị ảnh hưởng nặng do Covid-19. Trong trường hợp dịch được kiểm soát, những ngành này sẽ sớm hồi phục và có mức tăng đột biến so với năm 2020.

Tương tự ở khu vực công nghiệp, ông Minh cho biết, do nhu cầu tiêu dùng giảm, vận chuyển khó khăn, nhiều ngành như dệt may gặp khó khăn. Khi bình thường trở lại, xuất khẩu phục hồi, chắc chắn ngành công nghiệp mang lại tỷ USD này cho Việt Nam sẽ có tăng trưởng tốt.

Nhận định về năm mới 2021, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây sẽ là năm với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn còn bị “đe doạ” bởi dịch bệnh Covid-19; thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ vẫn đeo đẳng, gây sức ép tới nền kinh tế toàn cầu… Ông Lộc nhấn mạnh, doanh nghiệp, doanh nhân cần phải chuẩn bị cho hành trình mới.  Theo vị này, một điểm sáng đầy hy vọng, đó là ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững. Đây sẽ là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam có khả năng bứt phá.

Ba chân kiềng của nền kinh tế theo ông Lộc, đó là: Đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. Việt Nam cũng có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay. Năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh - Chủ tịch VCCI nói.

Những lo ngại nào cho kinh tế năm mới?         

Điều khiến chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh lo ngại ở nền kinh tế quốc tế trong năm mới, đó là nguy cơ khủng hoảng nợ công tiềm tàng. Trong trường hợp xảy ra thì dễ xảy ra những suy thoái ở mức độ toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. “VN là nền kinh tế mở, nên phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới”, ông Minh nhận định.

Băn khoăn thứ hai là “mác” thao túng tiền tệ Việt Nam. Ông Minh cho biết, giờ đang là giai đoạn cảnh báo, chưa có các biện pháp trừng phạt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm trao đổi với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này.

Bây giờ rất khó đoán điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ra sao. Tuy nhiên, nếu có những biện pháp trừng phạt thì Việt Nam sẽ chịu cú sốc không nhỏ bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam”, ông Minh cho biết, thời gian tới việc điều hành nền kinh tế phải cân nhắc đến những yếu tố đó. Lưu ý không thể thoải mái, can thiệp quá mạnh vào thị trường tiện tệ.

Về khuyến nghị chính sách vĩ mô, ông Minh cho biết, chúng ta có những bài học xảy ra trong quá khứ về sự nguy hiểm khi bất ổn kinh tế. Do vậy ổn định kinh tế vĩ mô luôn là ưu tiên hàng đầu. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định có khả năng hồi phục rất nhanh. Nếu có những tác động bên ngoài sẽ ít hơn thì chúng ta sẽ bị ít hơn. Lạm phát nên cố gắng duy trì mức dưới 4%.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự rằng “không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế”. Do vậy, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… là động lực lớn nhất cho sự phát triển.

Trước đó, hàng loạt tổ chức kinh tế quốc tế đã đưa ra những dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo Báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021.

Còn theo WB, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc-xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.

Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra. Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng Covid-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/kinh-te-viet-nam-2021-tang-truong-68-7-se-kha-thi-neu-post110484.html