19/01/2025 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Dịch vụ lưu trú tại Đà Nẵng hoạt động cho… “có không khí”

Cập nhật lúc: 08/10/2021, 17:30

Từ ngày 30/9, TP. Đà Nẵng cho phép cơ sở dịch vụ lưu trú được phép hoạt động trở lại. Thực tế nhiều khách sạn không mấy mặn mà khi được mở cửa do không có khách...

Nhiều dịch vụ lưu trú đang… đợi khách hàng

Tính đến nay là ngày thứ 8, TP. Đà Nẵng ra thông báo cho các hoạt động lưu trú được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các tuyến đường như: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh… những con đường từng sôi động với nhiều dịch vụ lưu trú hoạt động sầm uất tại TP. Đà Nẵng, không khó có thể bắt gặp hình ảnh nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú vẫn “cửa đóng then cài”, một số khác chỉ mở cửa để khởi động lại bằng công tác chuẩn bị chứ chưa đón khách. Thậm chí các khách sạn ven biển hay ở ngay tại trung tâm thành phố vẫn mới rục rịch hoạt động trong công tác vệ sinh lại phòng ốc, tập dược phòng chống dịch…

Đà Nẵng vẫn mở cửa cho khách lưu trú, nhưng quy định khá chặt.
Đà Nẵng vẫn mở cửa cho khách lưu trú, nhưng quy định khá chặt.

Nhiều khách sạn cho rằng việc mở cửa trở lại chỉ là cho … “có không khí”, giống như một căn nhà lâu ngày không đón nắng, giờ đây mở cửa cho “thoáng”, xua tan phần nào không khí ảm đạm và giữ sự kết nối với du khách.

Trao đổi với PV, chị Mai Thị Hiếu Nhi, quản lý The Memory Đà Nẵng cho biết: “Thật ra, việc đóng cửa sẽ giảm thiểu rất nhiều chi phí thay vì mở cửa mà lượng khách chẳng bao nhiêu. Hưởng ứng chủ trương của thành phố thì khách sạn đã hoạt động lại khoảng 1 tuần nay, lường trước được việc sẽ rất ít khách nhưng khách sạn vẫn quyết định hoạt động trở lại cho có không khí vào để thoáng đãng hơn, tạo điều kiện cho nhân viên đi làm chứ để nghỉ lâu tay nghề cũng giảm. Lượng khách book phòng rất ít, chủ yếu là khách địa phương, nhóm khách theo hộ gia đình khách đến tiệc tùng, đi trong ngày rồi về. Vì vậy, khách sạn cũng xác định từ nay cho đến cuối năm chỉ tập trung vào dòng khách nội địa”. 

Nhiều cơ sở lưu trú công bố chương trình khuyến mãi
Nhiều cơ sở lưu trú công bố chương trình khuyến mãi.

Đi dọc theo tuyến đường Hà Chương (quận Sơn Trà), có vị trí nằm gần với biển Đà Nẵng, nhiều khách sạn san sát nhau đều chỉ mới bắt đầu công tác dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc. Một quản lý tại khách sạn ở đường Hà Chương cho biết: sau hơn 2 tháng đóng cửa từ đợt dịch Covid-19 đến nay, tình cảnh chung của nhiều khách sạn trên địa bàn là nguồn kinh phí cũng dần cạn kiệt để vận hành. Thời điểm này, học sinh, sinh viên cũng bắt đầu vào năm học, tất bật học nên khó hy vọng đón được khách du lịch, đây lại là thời điểm bắt đầu mùa mưa tại Đà Nẵng nên mở cửa cũng lường trước được gần như không có khách, nên khách sạn cũng chỉ mới dọn dẹp, vệ sinh lại phòng, đảm bảo an toàn phòng dịch chứ chưa mặn mà lắm với việc hoạt động trở lại.

Nhiều khách sạn nằm tại ngã ba đường Võ Văn Kiệt- Hồ Nghinh, có vị trí thuận lợi khi nằm gần ngay biển, khu vực từng tập trung rất đông du khách vẫn chưa hoạt động trở lại.
Nhiều khách sạn nằm tại ngã ba đường Võ Văn Kiệt- Hồ Nghinh, có vị trí thuận lợi khi nằm gần ngay biển, khu vực từng tập trung rất đông du khách vẫn chưa hoạt động trở lại. Ảnh (Ngọc Trâm).

Tại những khách sạn lớn và có nhiều cơ sở ở TP. Đà Nẵng như: Mường Thanh, Minh Toàn, … hiện tại cũng chỉ mới hoạt động 1 trong tổng số nhiều cơ sở do lượng khách đặt phòng còn rất ít. Điểm chung của nhiều dịch vụ lưu trú tại thành phố hiện nay là chỉ trông mong vào nhóm khách hộ gia đình; đi công tác, đi làm việc ngoài tỉnh thành có nhu cầu lưu trú ngắn ngày. Hay như mọi năm thì đây là thời điểm khách ít, mưa bão kéo dài, do đó các khách sạn thường liên kết với công ty tổ chức sự kiện để kết hợp hội họp, hội thảo nhằm gia tăng dịch vụ lưu trú.

Trầy trật tìm nguồn thu

Có thể thấy, mở cửa là hướng đi tất yếu để cứu vãn các doanh nghiệp, nhất là dịch vụ du lịch là điều nên và cần làm để từng bước phục hồi lại nền kinh tế, nhưng việc thức giấc sau thời gian “ngủ đông” không chỉ đơn thuần là mở cửa, vệ sinh và đón khách, mà còn rất nhiều chi phí và vấn đề phát sinh. Nhiều chủ khách sạn tâm sự, khi hoạt động trở lại, chi phí bỏ ra rất nhiều, nhưng đôi khi nguồn thu về chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, nhiều khách sạn vẫn quyết định đợi thời điểm thích hợp, chờ cho thị trường “ấm” dần lên mới tự tin mở cửa trở lại.

Tại khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) từng được mệnh danh là khu “phố Tây” vì khách du lịch đến đây chủ yếu là người ngoại quốc.
Tại khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) từng được mệnh danh là khu “phố Tây” vì khách du lịch đến đây chủ yếu là người ngoại quốc.

Trong nhiều cơ sở lưu trú vẫn còn “bất động”, đã có nhiều nơi treo biển cho thuê, sang nhượng. Trên các trang web và diễn đàn, một số khách sạn ngậm ngùi rao bán “cần câu cơm” do chi phí vận hành khách sạn và chi phí vay đầu tư quá lớn. Thời gian dịch bệnh kéo dài, các chủ khách sạn không còn sức gồng gánh dẫn đến phải bán với hy vọng thu hồi, bảo toàn vốn. Còn lại, các khách sạn có nhiều khách lưu trú chủ yếu hiện nay vẫn chỉ là khách đang cách ly y tế tại gần 30 khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng hoặc được duy trì hoạt động thông qua việc cho người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam dài hạn đã từ lâu nay.

Trao đổi tại Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” vừa được TP. Đà Nẵng tổ chức, đã có nhiều ý kiến của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề phục hồi ngành du lịch nghỉ dưỡng và chiến lược khôi phục kinh tế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú... Về vấn đề này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết có nhiều thách thức đặt ra khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ trong bối cảnh hiện nay. Có thể kể đến như nguồn khách hiện nay và năm 2022 được xác định sẽ không nhiều do thị trường khách quốc tế các nước cũng chưa có chính sách mở cửa cho đi du lịch trở lại. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải rất cân nhắc về thời điểm mở cửa trở lại, khi nào lượng khách đủ để bù vào chi phí thì mới có thể thực hiện.

Nhiều khách sạn cho rằng, việc mở cửa trong thời gian này cũng đã lường trước được việc gần như không có khách.
Nhiều khách sạn cho rằng, việc mở cửa trong thời gian này cũng đã lường trước được việc gần như không có khách.

Trong tháng 12/2021, nếu tỷ lệ công dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Đà Nẵng đạt 80%, thành phố sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người Đà Nẵng với điều kiện, các cơ sở phải đáp ứng điều kiện cơ bản phòng, chống dịch; yêu cầu người lao động của các cơ sở cũng như khách đến phải đạt tiêm đủ 2 mũi, quét mã QR, thẻ xanh… Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, dự kiến từ quý 1/2022, thành phố sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ và tại các điểm vui chơi, sẽ có một số tour combo dành cho khách đi theo nhóm nhỏ. Đến quý 2/2022, sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và thành phố thí điểm đón khách quốc tế thành công.

Các khách sạn có nhiều khách lưu trú chủ yếu hiện nay vẫn là khách đang cách ly y tế.
Các khách sạn có nhiều khách lưu trú chủ yếu hiện nay vẫn là khách đang cách ly y tế.

“Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể dựa trên cân nhắc quá trình tiếp diễn của dịch bệnh và theo dõi các mô hình thí điểm đón khách quốc tế của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia; chúng tôi sẽ xây dựng phương án riêng cho thị trường nội địa và quốc tế”, bà Hạnh cho biết thêm.

Theo dự đoán, những tháng tiếp theo nhu cầu du lịch trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh và khách du lịch nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại leo thang về nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn, do Việt Nam sẽ hạn chế nối lại các chuyến bay quốc tế cùng với tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.

Có thể thấy, qua nhiều đợt giãn cách kéo dài đằng đẵng, nhiều khách sạn ở TP. Đà Nẵng gặp vô vàn khó khăn. Nhiều “đại gia” trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lâu năm, có tiềm lực tài chính mạnh chưa đến bước “đường cùng”, nhưng cũng đã thực sự thấm mệt vì… chờ khách!     

Từ ngày 30/9, TP. Đà Nẵng cho phép các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại với điều kiện không quá 30% tổng số phòng hiện có, trường hợp 100% khách hàng đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng thì cho phép lưu trú không quá 50% tổng số phòng hiện có. Không được tổ chức các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú. Nhiều dịch vụ lưu trú đang áp dụng chương trình khuyến mại như: giảm giá 50% tất cả các hạng phòng, thanh toán 2 ngày cho 3 ngày sử dụng, miễn chi phí các bữa ăn… với mong muốn có những gói dịch vụ khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách nội địa từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu.

                                                                                                 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/dich-vu-luu-tru-tai-da-nang-hoat-dong-cho-co-khong-khi-20201231000003868.html