19/01/2025 | 12:01 GMT+7, Hà Nội

Dịch tả lợn châu Phi: Rau xanh tăng giá, bà nội trợ vẫn e dè thịt lợn dù biết không lây sang người

Cập nhật lúc: 28/03/2019, 09:01

Mặc dù chưa có phát hiện mới về dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, giá của các loại thực phẩm xanh, tươi sống khác có chiều hướng tăng nhẹ.

Người tiêu dùng e dè với thịt lợn

Tính đến nay, đã có 21 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, với tổng số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 65.000 con.

Có thể nói, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang ở ngưỡng chững lại và được kiểm soát chặt chẽ. Song song với đó, người tiêu dùng cũng được tuyên truyền cặn kẽ về bản chất của dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, do lo ngại đến sự an toàn sức khỏe nên không ít người tiêu dùng vẫn dè dặt khi lựa chọn thịt lợn làm thực phẩm chính cho bữa ăn gia đình.

Bà Võ Thị Hồng (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mặc dù được thông tin tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành về công tác chống dịch lây lan nhưng vẫn quyết định thay thế thực phẩm chính của bữa ăn gia đình bằng các loại thực phẩm tươi sống khác như: Thịt bò, thịt gà và các sản phẩm tươi sống từ biển.

Theo bà Hồng, mặc dù giá cá các mặt hàng thực phẩm khác cao hơn so với giá thành thịt lợn đang bán hiện nay, nhưng lại đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe của gia đình.

Hầu hết, giá của các loại rau xanh đều tăng nhẹ. Ảnh: Thiên An

Hầu hết, giá của các loại rau xanh đều tăng nhẹ. Ảnh: Thiên An

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Võ Thị Hồng cho biết: “Nếu mua thịt lợn ở siêu thị có thể đặt niềm tin về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, là người nội trợ của gia đình, tôi phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. Hiện nay, có thể do sự ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, tôi thấy giá các sản phẩm tươi sống khác đều tăng, đặc biệt là giá rau xanh. Giá rau xanh không tăng - hạ nhanh chóng như những đợt tăng trước đó, mà tôi thấy lần tăng giá này khá ổn định và không có dấu hiệu “hạ nhiệt””.

Tương tự, bà Phạm Chu Lan (45 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai) cũng cho hay: “Tôi chuyển hướng sang các loạt thịt khác để thay thế thịt lợn, ngay từ khi bắt đầu có thông tin về dịch tả lợn châu Phi. Để cải thiện bữa ăn, gia đình tôi lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ biển, mặc dù giá cả đắt hơn so với các sản phẩm tươi sống từ động vật. Ví dụ như giá tôm biển dao động từ 250.00g đồng - 450.000 đồng/kg, cá thu một nắng có giá từ 240.000 đồng - 260.000 đồng/kg, giá của chả cá, chả mực cũng dao động từ 300.000 - 450.000 đồng/kg, tùy loại. Hoặc thịt gà hơi tại các chợ có giá bán cũng không quá cao, chỉ khoảng 110.000 đồng/con chưa chế biến.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Luyến (ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không quay lưng với thịt lợn. Bởi bà Luyến cho rằng, chỉ cần lựa chọn thịt có nguồn gốc xuất xứ, có nơi bán tin cậy như tại siêu thị uy tín, thì vấn đề nguồn gốc xuất xứ vẫn đảm bảo, cho dù giá cả cao hơn so với giá bán tại các chợ truyền thống.

Lo ngại tăng giá

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại một số chợ đầu mối, chợ truyền thống cho thấy, giá của thịt lợn có chiều hướng giảm, trong khi đó, giá của các loại rau xanh đều tăng. Ví dụ, rau rền đỏ, rau muống, rau ngót, rau cải, bông súp lơ đều có giá từ 8.000 đồng - 12.000 đồng/bó; su hào có giá từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/củ; giá tại chợ đầu mối đối với su hào là 10.0000 đồng/3 củ…

Ngoài ra, giá của các thực phẩm tươi sống khác cũng có chiều hướng tăng như giá cua đồng là 130.000 đồng/kg chưa sơ chế; cá quả là 100.000 đồng/kg; cá trắm 75.000 - 85.000 đồng/kg. Chỉ có một số sản phẩm thực phẩm giữ giá bình ổn là thịt gà có giá từ 55.000 đồng/kg lườn, 70.000 đồng/đùi gà; thịt bò là 55.000 đồng - 140.000 đồng tùy loại.

Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên sức mua của thịt lợn đều giảm. Ảnh: Thiên An

Theo các tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên sức mua của thịt lợn đều giảm. Ảnh: Thiên An

Theo các tiểu thương, từ khi có dịch tả lợn châu Phi, hầu hết người tiêu dùng đều trở nên khó tính hơn so trong việc lựa chọn thịt lợn. Tuy nhiên, dịch tả lợn đang có dấu hiệu chững lại, nên khoảng gần một tuần trở lại đây, sức mua thịt lợn đang dần hồi phục.

Bà Lưu Thị Lan (43 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội), một tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở cho biết: “Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nên giá thịt lợn đều có xu hướng giảm nhẹ. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với thịt lợn khiến sức mua giảm rõ rệt. Nếu so với thời điểm chưa xuất hiện dịch thì sức mua giảm khoảng hơn một nửa. Chính vì vậy, tôi nhập số lượng ít hơn so với trước để tránh rủi ro cho người tiểu thương. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần trở lại đây, sức mua thịt lợn bắt đầu có chuyển biến, tôi lo ngại trong thời gian tới, giá thịt lợn sẽ tăng. Bởi bởi thứ nhất là sự biến động thịt lợn sau dịch, người chăn nuôi đang yêu cầu lên giá lợn hơi. Thứ hai là hiện nay, giá của xăng và điện đều tăng nên việc giá của các mặt hàng tăng là có cơ sở”.

Việt Nam đang nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi

Tại phiên họp đầu tiêu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, diễn ra ngày 26/3, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài của ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vaccine với sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang xây dựng mô hình an toàn sinh học, bắt nguồn từ con giống và khép kín các khâu sản xuất, phân phối; thúc đẩy chăn nuôi trâu bò, gia cầm, trứng sữa phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thiên An