19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp: Nghịch lý giá thịt tăng nhẹ

Cập nhật lúc: 12/03/2019, 16:00

Giá thịt lợn ở các chợ truyền thống vẫn ở mức từ 80.000 - 110.000 đồng/kg, tại các siêu thị, giá thịt lợn tăng nhẹ. Lý giải cho nguyên nhân này, nhiều nơi cho rằng dịch bùng phát khiến nguồn cung khan hiếm.

  Người dân có xu hướng sử dụng thịt lợn tại các trung tâm thương mại, siêu thị nhiều hơn. Ảnh: Mộc Trà

Người dân có xu hướng sử dụng thịt lợn tại các trung tâm thương mại, siêu thị nhiều hơn. Ảnh: Mộc Trà

Giá tăng nhẹ do nguồn cung khan

Thịt lợn được xem là thực phẩm rẻ, gần gũi và xuất hiện trong các mâm cơm hàng ngày cũng như nguyên liệu để chế biến các món ăn làm thực phẩm của hầu hết các gia đình Việt. Tuy dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đã khiến rất nhiều gia đình có phần e dè. Theo lý giải của nhiều bà nội trợ cho biết, bản thân bệnh dịch này không gây nguy hiểm đến con người tuy nhiên đối với thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng bày bán có thể không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì điều này đã khiến không ít người e ngại trong việc sử dụng thực phẩm từ thịt lợn.

“Trước kia, gia đình tôi thường sử dụng thịt lợn mua từ các chợ truyền thống nhưng cách đây khoảng một tuần khi dịch bùng phát gia đình tôi đã chuyển hướng sử dụng thịt lợn do các siêu thị, trung tâm thương mại uy tín cung cấp. Giá thịt lợn ở những siêu thị, trung tâm thương mại dù có cao hơn so với nhiều chợ truyền thống nhưng đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Nguyễn Thị Duyên (29 tuổi, trú tại Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Tại một số siêu thị, giá thịt lợn ở thời điểm này có xu hướng tăng nhẹ, dao động từ 110.000 - 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rất nhiều người nội trợ cho rằng việc thịt lợn tăng giá nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền cũng như nhu cầu sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn. Ngoài ra, việc sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng sẽ đảm bảo chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm hơn. Trao đổi với PV, một nhân viên tại siêu thị thuộc phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi xảy ra nên lượng khách tìm đến siêu thị mua thịt lợn nhiều hơn so với dịp trước. Giá thịt lợn có tăng do nguồn cung khan hiếm cũng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý mua sử dụng của người dân”.

Trong khi đó tại nhiều chợ truyền thống giá thịt lợn vẫn giữ nguyên so với đợt trước khi dịch bệnh xảy ra. Giá thịt lợn tại các chợ như: Nam Trung Yên, Trung Kính, chợ Tam Hợp Nhất, Cầu Giấy… dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại. Chị Hương - một tiểu thương cho biết: “Dịch bùng phát khiến chúng tôi phải tìm nguồn cung uy tín cũng như đến tận các lò mổ có kiểm dịch đàng hoàng. Chính vì nguồn cung hiếm nên giá thịt lợn vẫn giữ như mức cũ, thậm chí có một số nơi giá còn tăng hơn so với trước khi dịch diễn ra”.

Chuyển hướng sử dụng sang thực phẩm khác

 Thịt lợn bán tại các chợ truyền thống vẫn giữ giá như trước lúc có dịch tả lợn châu Phi.

Thịt lợn bán tại các chợ truyền thống vẫn giữ giá như trước lúc có dịch tả lợn châu Phi.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hơn một tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 11.367 con. Trước tình hình bệnh dịch đang bùng phát tràn lan, nhiều gia đình với tâm lý e ngại nên đã hạn chế sử dụng thịt lợn, thay vào đó là tăng cường sử dụng các loại thịt khác như: Thịt bò, thịt gà, các loại cá, tôm… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Minh Thư (33 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác như: Cá tôm, thịt bò, thịt gà… thay thế thịt lợn. Dù bản thân tôi cũng như rất nhiều người nội trợ phải thừa nhận rằng, thịt lợn có thể chế biến được rất nhiều món ăn trên mâm cơm”.

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đang phải tìm mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như kiểm soát những vùng phát hiện dịch bệnh rất sát sao. Nhiều trường mầm non, nhóm lớp mầm non trên địa bàn Hà Nội cũng đã thông báo ngưng dùng thịt lợn để chế biến món ăn cho con trẻ. Nói về điều này, đại diện một nhóm lớp mầm non đóng tại Dương Nội (Hà Đông) cho hay: “Thứ nhất để đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ, thứ hai một số phụ huynh có con theo học cũng đã có ý kiến yêu cầu nhà trường tạm thời không sử dụng thịt lợn trong chế biến bữa ăn cho trẻ. Chúng tôi thấy ở thời điểm này là hợp lý nên quyết định thông báo đến toàn thể phụ huynh”(?).

Trong khi đó, chị Thành hiện có con đang theo học tại một trường mầm non tư thục quận Hoàng Mai cho hay: “Nếu thực phẩm từ lợn an toàn thì vẫn sử dụng để nấu ăn cho các con ở trường được. Nhưng ở thời điểm nhạy cảm này, những bậc phụ huynh như tôi cũng có chút lo lắng nên đồng ý quan điểm việc trường tạm ngưng dùng thịt lợn nấu ăn cho con trẻ”.

Người tiêu dùng không nên “quay lưng” với thịt lợn

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh trên người. Đồng thời, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn. Điều này, sẽ khiến tình hình thịt lợn thương phẩm có nguồn gốc bị ảnh hưởng, ngưng trệ. Mặt khác, trong quá trình mua bán cần có sự lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm dịch. Mọi người cũng nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, thực phẩm sống…

 

Mộc Trà