30/04/2024 | 10:46 GMT+7, Hà Nội

Cập nhật mới nhất về tình hình dịch tả lợn châu Phi: Cả nước có 13 tỉnh công bố dịch

Cập nhật lúc: 12/03/2019, 02:20

Chưa đầy 1 tháng, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 13 tỉnh ở Việt Nam và vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục gia tăng. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã nói không với loại thực phẩm thiết yếu này khiến giá lợn cũng lao dốc theo.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tại Việt Nam, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 13 tỉnh báo cáo bùng phát dịch bệnh, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Có hơn 11.367 con lợn bị tiêu hủy. Hiện nay các địa phương vẫn đang khẩn trương tiến hành dập dịch, tránh dịch lây lan phát tán.

cap nhat moi nhat ve tinh hinh dich ta lon chau phi ca nuoc co 13 tinh cong bo dich
Tiêu hủy lợn dịch.

Trước diễn biến của dịch bệnh, nhiều người dân đã tẩy chay loại thực phẩm này, nhiều trường học tại Hà Nội đã đưa ra các khuyến cáo và thông báo sẽ tạm thời dừng sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn của trẻ tại trường học và chuyển sang các món khác.

Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Để bảo đảm an toàn, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, vi rút ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút ASFV, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, các món ăn từ thịt lợn được nhiều người Việt yêu thích như: Nem chạo, nem sống, tiết canh, gỏi… không hề an toàn, vì chưa được nấu chín kỹ. Với những món ăn này có thể khiến con người nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, gây di chứng, tử vong cao. Thậm chí, dù ăn những món này được chế biến từ lợn được nuôi “cắp nách”, nuôi tại nhà... cũng vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nếu không được nấu chín kỹ.

Để tránh mua phải thịt lợn nhiễm bệnh, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh. Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày. Ngoài ra, thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Khi chế biến, thịt lợn sạch luộc lên nước trong, không váng bẩn. Khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.

Nguyễn My