19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Dịch Covid-19: Kiểm soát lạm phát bằng các kịch bản điều hành giá

Cập nhật lúc: 02/06/2021, 16:31

Theo Bộ Tài chính, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, bình ổn giá và thị trường theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Năm 2021, Quốc hội đã quyết định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4%, nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến hết sức phức tạp, các chuyên gia kinh tế cho rằng yếu tố này đang tác động tiêu cực đến việc kiểm soát lạm phát như mục tiêu đã đề ra.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước diễn biến này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng phải thừa nhận, năm nay giá cả một số mặt hàng rất khó đoán định, khi mà dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành giá.

Bên cạnh đó, một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến bất ổn, có yếu tố tăng, giảm rất bất thường, không thể lường hết.

Đặc biệt, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá... biến động mạnh thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.

Từ tháng 1/2021, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thông báo điều chỉnh tăng giá bán khoảng từ 300 - 900 đồng/kg tùy theo chủng loại và nhà sản xuất. Trong tháng 4/2021, mức tăng đã lên khoảng 1.600 - 1.700 đồng/kg tùy từng chủng loại.

Hiện nay, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép khoảng từ 16.200 - 17.800 đồng/kg tùy chủng loại và nhà sản xuất. Đây là giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể hồi phục như trước đại dịch. Ngoài ra, hiện giá thép còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển…

Cùng với đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép toàn cầu tăng bất thường, giá thép thô và thép thành phẩm trên thế giới đều tăng và diễn biến khó lường. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Theo ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có sự tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá nguyên liệu thô sản xuất thép như thép phế, phôi thép từ khoảng giữa tháng 10/2020 đến nay liên tục tăng.

Ông Đặng Công Khôi cho biết, theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, các mặt hàng thép xây dựng, ximăng, cát, đá... không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá.

Vì vậy, quan điểm của Bộ Tài chính là cần ưu tiên các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, đại diện Cục Quản lý giá cũng bày tỏ sự quan ngại nếu như không thể kiểm soát được dịch bệnh sẽ gây ra những biến động khó lường.

Bên cạnh đó, việc điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình, như dịch vụ công gồm y tế, giáo dục cũng là áp lực đến điều hành giá năm 2021.

Ngoài ra, theo ông Đặng Công Khôi vẫn còn có một số tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Đó là giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể tăng cao đột biến, khiến cho giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc; căng thẳng chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.

Giá cả nhiều mặt hàng liên tục biến động đã khiến việc quản lý, điều hành giá cần được triển khai thận trọng, đúng theo chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc quản lý nhà nước về giá thời gian qua đã từng bước kiểm soát và có điều chỉnh kịp thời giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu với đời sống kinh tế - xã hội; hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền theo hướng tính đúng tính đủ các chi phí, yếu tố cấu thành giá theo thị trường.

Do đó, có thể kiểm soát được lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, đảm bảo CPI ở mức hài hòa cũng như góp phần thúc đẩy hồi phục tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Đặng Công Khôi cho biết theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỉ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66% để bảo đảm mục tiêu kiểm soát dưới 4%.

Vì vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và hàng hóa có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết.

Với việc thực hiện giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình thị trường trong năm 2021, Cục Quản lý giá sẽ chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng tiếp tục bám sát tình hình giá cả thị trường để có điều hành cụ thể. Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành.

Đối với mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện, qua đó có kịch bản điều hành phù hợp. Ngoài ra, các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ, cần nỗ lực hơn để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.

Với mặt hàng thép, ông Đặng Công Khôi cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giá cho phù hợp với quan điểm, nguyên tắc và tính thống nhất, đồng bộ trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế thị trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Qua đó, hướng đến mục tiêu khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng vừa đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Đó là vừa giữ ổn định mặt bằng giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội.

Cụ thể, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dich-covid-19-kiem-soat-lam-phat-bang-cac-kich-ban-dieu-hanh-gia-55992.html