19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Ai chịu trách nhiệm giải bài toán kìm đà tăng giá thép?

Cập nhật lúc: 27/05/2021, 10:15

Cần có tác động của cơ quan quản lý, tiêu biểu là Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như điều chỉnh lượng XNK để đảm bảo cân bằng cung cầu trong nước, qua đó giá thép sẽ ổn định.

Hãng nghiên cứu Fitch Solutions vừa nâng dự báo giá thép toàn cầu trong ngắn hạn lên trung bình 800 USD/tấn, so với mức trước đó là 660 USD/tấn với lý do là sự mất cân đối trong cung - cầu khiến giá vật liệu này sẽ tiếp tục lên cao.

Theo đó, giá thép trên thị trường thế giới bắt đầu tăng mạnh kể từ quý IV/2020 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép trung bình đạt 883 USD/tấn, cao hơn 301 USD so với mức trung bình của năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá thép cũng ghi nhận những bước tăng phi mã trong suốt 1 tháng qua. Hiệp hội Thép Việt Nam trước đó đã đưa ra dự báo rằng giá thép chỉ tăng tối đa hết quý II/2021. Tuy nhiên, sự biến động giá của mặt hàng này những ngày đầu đến giữa tháng 5 cho thấy giá thép có thể tăng đến hết quý III/2021. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, việc thép tăng giá nguyên nhân lớn nằm ở giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020...

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tìm giải pháp cho bài toán kìm đà tăng giá thép, PV đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

PV:  Những tháng vừa qua, thị trường thép Việt Nam ghi nhận nhiều biến động, mức giá tăng có thời điểm đến mức "dựng đứng", nhiều doanh nghiệp thì "nghiêng ngả" như đứng trước cuồng phong. Chuyên gia nhận định thế nào về tình hình sản xuất của ngành thép Việt Nam hiện nay? Năng lực nguồn cung có tương xứng với nhu cầu thị trường? 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, khi nói đến thép, có một sự thật là nguồn nguyên, nhiên vật liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu về thép cũng như khả năng luyện thép của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu tính tổng công suất có thể sản xuất của ngành thép Việt Nam hiện nay đâu đó vào khoảng 17 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, một phần do dịch bệnh Covid-19 và một phần do giá thép của năm 2019 xuống thấp nên các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tổng sản xuất đâu đó được 10 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn.

Như vậy, rõ ràng nhu cầu về thép của chúng ta rất lớn, năng lực sản xuất thép cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng chúng ta không sản xuất được hết năng lực. Đây là một câu chuyện dài hơi, và sẽ không thể giải quyết được ngay trong một sớm một chiều. 

PV: Như ông vừa chia sẻ, năm 2020 chúng ta chỉ sản xuất được một nửa lượng thép mà thị trường yêu cầu. Ngoài yếu tố dịch bệnh tác động, liệu có phải do ngành sản xuất thép của Việt Nam đang quá thiếu nguyên liệu đầu vào hay còn có nguyên nhân nào khác? 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Về nguyên liệu thép, hiện nay, Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được khoảng 10 - 15% nguồn nguyên liệu để sản xuất thép. Vì thế, hầu hết nguyên liệu là nhập khẩu, mà trong thực tế, nhập khẩu hầu hết phôi thép, các nguyên liệu cho luyện thép từ Trung Quốc. Cho nên, rõ ràng, nếu nói về cải thiện được nguồn nguyên liệu đầu vào, kể cả quặng thép lẫn thép phế liệu, thì quả là vấn đề khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trước đây, chúng ta cũng đã thăm dò, khảo sát một số mỏ sắt ở Thái Nguyên hay mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh). Nhưng cuối cùng sản lượng khai thác tại mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) không đạt được như mong muốn. Còn các nguồn khác hầu hết đều nhỏ lẻ, muốn tăng khai thác là điều không hề dễ dàng.

Một số mỏ thép nhỏ lẻ ở vùng biên giới như Cao Bằng hay Hà Giang trong thời gian dài trước đây chủ yếu khai thác và vận chuyển, bán sang Trung Quốc vì khoảng cách gần, thuận tiện. Nếu vận chuyển về các nhà máy sản xuất gang thép lớn thì rất khó, xa, không thuận đường, cuối cùng người ta chỉ có cách bán sang Trung Quốc là nhanh nhất. Và thực ra, nếu có vận chuyển từ các mỏ quặng sát đó về cũng không đáng kể vì sản lượng rất nhỏ. 

PV: Việc nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào như vậy liệu có khiến chúng ta bị tác động mạnh, trực tiếp từ các động thái của các quốc gia mà chúng ta nhập khẩu không thưa ông? Đơn cử như việc Trung Quốc vừa điều chỉnh giá thép. Liệu thị trường thép trong nước có bị tác động? 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng những tác động đến từ động thái này của Trung Quốc tới thị trường trong nước là không đáng kể. Lý do là vì nhu cầu về sắt thép trên thế giới vẫn tăng cao, đặc biệt là sắt thép cho xây dựng. 

Có thể thấy, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tung ra gói kích thích kinh tế mà chủ yếu là đầu tư công, vì thế lượng sắt thép sử dụng vào các dự án này rất lớn. Ngay cả ở Trung Quốc hiện nay chính phủ cũng đang đẩy mạnh đầu tư công để từ đó thúc đẩy phát triển tăng trưởng kinh tế và coi đó như một động lực để phát triển nền kinh tế sau đại dịch. 

Mà tốc độ của Trung Quốc làm rất nhanh và mạnh, vì thế, nhu cầu về sắt thép của họ rất lớn. Không phải tự nhiên mà giá thép bị đẩy như vậy, đó là do nhu cầu thị trường lớn, khả năng đáp ứng không có, trong khi vận chuyển nhập khẩu từ quốc gia khác về rất khó khăn, đặc biệt là nguồn nhập khẩu từ Úc gần như gián đoạn do trục trặc giữa quan hệ 2 nước... Vì thế, thực sự nguồn cung thép từ Trung Quốc đang rất khó khăn, và nhu cầu về thép của họ rất lớn, trong khi nguồn quặng giảm một cách đáng kể. Bởi đó mà giá sắt thép tăng lên.

Tất nhiên, trong việc tăng giá, một phần do nhiều nhà đầu cơ thấy giá thép tăng nên đã găm hàng, không bán ra, đợi tăng nữa, vì thế càng đẩy giá thép lên cao. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã có động thái chống đầu cơ, qua đó giá thép có thể giảm nhưng chỉ giảm một phần, còn nhu cầu thép của thế giới vẫn cao, và nhu cầu thép trong xây dựng, công trình hạ tầng của Trung Quốc vẫn rất lớn, nên giá thép tăng cũng là điều đương nhiên.

Ở nước ta, khoảng 1 tháng qua giá thép tăng kinh khủng, nhưng nay thì đã bớt nóng, xác lập mặt bằng giá mới. Nhưng sẽ khó lòng quay trở lại mức giá trước đợt tăng và cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với giá của đầu năm 2021.

PV: Nếu vậy, theo ông nguyên nhân nào khiến giá thép trong nước biến động tăng mạnh thời gian qua? 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giá thép trong nước tăng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do đầu tư xây dựng của chúng ta cũng mạnh, đặc biệt là đầu tư công khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đó là 1 động lực để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Vì thế lượng thép trong xây dựng cũng nhiều. Thứ hai, ngay cả trong phát triển các công trình xây dựng dân dụng, ngay cả nhà ở… nhu cầu về thép cũng phục hồi, do sản xuất quay trở lại phục hồi và phát triển, thì nhu cầu thép trong nền kinh tế cũng hồi phục và tăng lên.

Như vậy, nhu cầu thép hiện nay sẽ lớn hơn nhu cầu của đầu năm 2020, thậm chí lớn hơn cả năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch. 

Tiếp nữa, vì giá thép trong thời gian trước liên tục giảm, sau đó lại "dính" vào đại dịch, nhiều nhà máy sản xuất nhỏ, luyện thép có sản lượng nhỏ đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, vì thế lượng sản xuất như đã nói ở trên mặc dù công suất thiết kế hơn 17 triệu tấn, nhưng cuối cùng trong 2020 chúng ta cũng chỉ sản xuất đâu đó được hơn 10 triệu tấn mà thôi. Rõ ràng là trong nền kinh tế thiếu rất nhiều, chúng ta phải đi nhập, cả nguyên, nhiên liệu lẫn thép thành phẩm. 

Đó là chưa nói quặng sắt và thép phế liệu tăng lên thì cũng làm cho giá tăng. Và quặng thép đầu vào, thép phế liệu đầu vào cho luyện thép tăng giá thì dứt khoát giá thép phải tăng, không làm thế nào khác được.

Ảnh minh họa.

Rõ ràng chúng ta cũng thấy, ngoài việc các nguyên liệu như quặng, thép phế liệu tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép, thì nghề luyện cán thép còn tốn rất nhiều năng lượng như than cốc, điện cực graphite. Trong khi đó giá dầu giá than đều lên, thì dứt khoát giá thép phải lên, không có lý do gì đứng lại.

Như vậy, cầu và cung trong nước đang có sự vênh nhau, nếu muốn giảm giá thì phải tăng sản lượng lên để cung - cầu cân đối.

Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý đó là chúng ta có nhập khẩu phôi thép, thép từ Trung Quốc về, nhưng chúng ta lại cũng có xuất khẩu ra nước ngoài, cả thép và phôi thép, sau khi nhập về chúng ta có chế biến chế tạo một chút rồi xuất khẩu. Rõ ràng, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 đã tăng lên, trước đây, 2019 - độ chênh này đâu đó 7,7 triệu tấn; đến 2020 độ chênh chỉ khoảng 3,3 triệu tấn - tức là xuất - nhập của chúng ta đang gần bằng nhau rồi đấy!

Năm 2019 xuất ít, nhập nhiều nhưng 2020 xuất nhập gần như nhau - có nghĩa là chúng ta đang đẩy mạnh xuất khẩu lên, đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2020 lượng thép xuất khẩu là 2,1 triệu tấn, tăng 68% so với cùng kỳ 2020. Ở đây lượng xuất khẩu đang rất lớn, rất cần có biện pháp của cơ quan quản lý và Hiệp hội Thép. Thứ nhất, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất và đẩy mạnh luyện cán thép để cung cầu cần đối.

Thứ hai là làm thế nào để kiềm chế việc xuất khẩu, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, một lúc đạt được 2 cái đích: Một, đạt hiệu quả, doanh nghiệp vẫn bán được giá cao nhưng không mất chi phí lưu kho lưu bãi, logistics, chi phí vận chuyển đi nước ngoài, tiền thuế, mất các loại phí vận chuyển, những cái đó không hề nhỏ. Hai, tạo cho cung cầu trong nước thay đổi, vừa tiết kiệm chi phí logistic, lượng cung ứng trong nước tăng thì giá thép trong nước sẽ không cao như là nó đang cao. 

PV: Vậy, để điều chỉnh và bình ổn giá thép, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể làm gì trong bối cảnh này, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Ở đây chúng ta thấy liên quan trực tiếp là Hiệp hội Thép và Bộ Công Thương. Cần có tác động của cơ quan quản lý, tiêu biểu là Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc điều chỉnh lượng xuất nhập khẩu để đảm bảo cung cầu trong nước ổn hơn, thì giá thép sẽ bình ổn hơn một chút.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ai-chiu-trach-nhiem-giai-bai-toan-kim-da-tang-gia-thep-20201231000002271.html