22/11/2024 | 04:31 GMT+7, Hà Nội

Dịch Covid-19: Hà Nội đảm bảo không thiếu nguồn hàng

Cập nhật lúc: 08/03/2020, 12:53

Hà Nội đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đây là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, sau khi Hà Nội phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19.

Ngay sau khi thông tin về ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của Hà Nội được công bố, nhu cầu mua sắm và tích trữ nhu yếu phẩm của người dân đã tăng đột biến, ngành Công Thương Hà Nội có đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân không thưa bà….?

Trước thông tin việc có 1 người đi từ nước ngoài về có xét nghiệm dương tính với Covid-19 nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng đột biến. Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng ngày 7/3/2020 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Khi xảy ra dịch Sở đã chủ động yêu cầu các hệ thống phân phối tăng cường dự trữ hàng hóa tăng 30 -40% so với ngày thường. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với tháng 2. Trong ngày 7/3, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.

Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường, cụ thể doanh nghiệp như Vinmart hàng hóa tăng 40 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bố hàng hóa chuyển từ các tỉnh về Hà Nội...; Hệ thống siêu thị coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30 %, hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối ...; Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng TMĐT để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.

Bà có thể cho biết con số cụ thể số lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống mà các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ, cung ứng cho thị trường Hà Nội?

Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn TP ứng phó với dịch Covid-19 gây ra, Hà Nội có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30-50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.

Cụ thể, lượng hàng hóa gồm gạo 46.485 tấn; thịt lợn gần 9.300 tấn; thịt trâu, bò 2.675 tấn; thịt gia cầm gần 3.100 tấn; trứng gia cầm 62 triệu quả; dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) trên 2.580 tấn; thực phẩm chế biến trên 2.580 tấn...

Theo đó dự kiến, lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày với định mức mỗi người gồm gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0,15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35kg...Tổng lượng hàng cần thiết là: gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75.000 quả; muối ăn, bột canh 750kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn...

Với lượng hàng hóa dồi dào như vậy, ngành công thương Hà Nội cam kết đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, do vậy, người dân không nên lo lắng hay mua hàng tích trữ.

Người tiêu dùng mua hàng tại Vinmart sáng 7/3

Nếu dịch bệnh Covid-19 lan rộng, khi đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm thì Sở Công Thương Hà Nội sẽ có phương án, biện pháp nào để ứng phó, đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường?

Mặc dù Hà Nội mới phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 nhưng từ đầu tháng 2, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản ứng phó khác nhau. Cụ thể, khi dịch xảy ra ở cấp độ 1 và 2, Sở sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán; đồng thời, báo cáo thường xuyên, đột xuất khi có hiện tượng lượng khách hàng tăng đột biến tập trung vào một số mặt hàng.

Đối với dịch xảy ra ở cấp độ 3 và 4 (khi dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố với trên 20 trường hợp mắc), thông qua việc nắm bắt thông tin và báo cáo của các doanh nghiệp, xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng, khả năng cung ứng của các đơn vị, nhóm hàng có sức mua tăng cao; trường hợp nguồn cung các đơn vị đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, đề nghị các đơn vị không găm hàng, có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa. Trường hợp tại một số điểm bán xảy ra hiện tượng thiếu hàng, xác định ngay địa điểm xảy thiếu hàng.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ đề nghị Sở Công Thương tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Để bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ quền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ có giải pháp, phương án như thế nào thưa bà?

Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống. Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp chỉ đạo các đội quản lý tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến…

Sở Công thương Hà Nội khẳng định trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngành Công thương và các doanh nghiệp bán lẻ cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá trên toàn thành phố Hà Nội.

Xin cảm ơn bà!