21/11/2024 | 19:32 GMT+7, Hà Nội

Đi hết Quảng Ninh qua những quần thể tâm linh đẹp ngoạn mục

Cập nhật lúc: 17/05/2021, 16:37

Ít có vùng đất nào đẹp và giàu bản sắc văn hóa như Quảng Ninh. Bởi chỉ cần đi hết những quần thể đền chùa khắp vùng di sản, cũng đủ thấy vì sao, mỗi năm, du khách lại khát khao thực hiện một hành trình tâm linh.

Dưới đây là top 3 điểm đến tâm linh không thể không chiêm bái khi du ngoạn Quảng Ninh:

Đền Cửa Ông (Cẩm Phả)

Là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Quảng Ninh nên bất kỳ thời điểm nào, đền Cửa Ông cũng luôn nhộn nhịp du khách đến chiêm bái, cầu an. Và nếu đến đây vào mùa xuân, con đường hoa đỗ mai bên lối vào phía trái ngôi đền sẽ khiến ai cũng ngỡ ngàng như thể lạc vào xứ Phù Tang. 

Đền Cửa Ông-ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Quảng Ninh
Đền Cửa Ông- ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Quảng Ninh

Trải dài theo độ cao từ chân ngọn đồi bên vịnh Bái Tử Long lên đến đỉnh, xen giữa những vòm đỗ mai đẹp tựa anh đào Nhật Bản, dưới những bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, là những mái đền cổ kính, tĩnh mịch. Từ khoảng sân trước đền phóng tầm mắt ra là thấy vịnh Bái Tử Long với một “rừng” đảo muôn hình, muôn vẻ nổi bật trên nền xanh của biển. 

Đền Cửa Ông có niên đại khoảng hơn 700 năm, là nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng Đông Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Đền được phân bổ theo 3 khu vực thờ tự là Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, sắp xếp theo thứ tự cao dần. Đền cũng sở hữu hệ thống tượng thờ quý giá với 34 pho tượng có niên đại hàng trăm năm được chạm trổ công phu. 

Bảo Hải Linh Thông Tự (Hạ Long)

Tọa lạc trên núi Ba Đèo và thuộc Tổ hợp Sun World Halong Complex, quần thể kiến trúc tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự có địa thế đắc địa, được bao bọc bởi rừng thông xanh rì, với tầm nhìn ôm trọn vịnh biển thơ mộng cùng thành phố Hạ Long. 

Bước chân tới đây là thấy như được chạm tới những không gian chùa Việt cổ xưa của vùng Bắc Bộ thế kỷ 17, 18, bởi toàn bộ quần thể gồm các hạng mục: Tam quan, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, hai bên hành lang tả vu, hữu vu đều được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, với các họa tiết trang trí, tạo hình hoa sen, vân mây được cách điệu tinh xảo trên các cửa, chân cột, hệ thống cột trống trên xà…

quần thể kiến trúc tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự có địa thế đắc địa, được bao bọc bởi rừng thông xanh rì, với tầm nhìn ôm trọn vịnh biển thơ mộng cùng thành phố Hạ Long.
Quần thể kiến trúc tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự có địa thế đắc địa, ôm trọn vịnh biển Hạ Long

Riêng Ngũ Phương Bảo Tháp, điểm nhấn độc đáo nhất trong quần thể, được tạo tác bằng bằng đá hoa cương lắp ghép nguyên khối, thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen. Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước… Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m. 

Theo lối cầu thang dẫn lên tầng hai của bảo tháp, du khách có thể từ đây phóng tầm mắt ngắm trọn vẹn cảnh vịnh Hạ Long với núi non nhấp nhô trên mặt biển biếc. Thiên nhiên khoáng đạt của núi, biển và rừng thông khiến bất cứ ai tới đây cũng đều thấy an yên lan tỏa.  

Đi hết quần thể tâm linh trên đỉnh Ba Đèo, sẽ thấy sự cầu kỳ đặc biệt trong hệ thống 106 pho tượng tại đây, trong đó có 66 pho tượng đồng được tạo tác theo nguyên mẫu thờ tại các Chùa cổ Bắc Bộ như Chùa Bà Đá, Chùa Vua, Chùa Mía, Chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)... Các bức tượng này đều được thực hiện bởi những nghệ nhân hàng đầu Việt Nam, theo công nghệ khuôn vỏ mỏng cầu kỳ bậc nhất hiện nay. 

Để đến được Bảo Hải Linh Thông Tự, du khách đi từ vườn Nhật qua cây cầu thép màu xanh vắt qua hẻm núi, có tên là Cầu May. Đây là một trải nghiệm khá thú vị, bởi hơn một cây cầu nối giữa hai điểm đến, Cầu May dẫn dắt du khách đi từ một không gian đậm chất thiền của vườn Nhật tới một không gian thiền tự đậm chất tâm linh truyền thống Việt. Du khách có cảm giác như đang bước đi giữa hai nền văn hóa giàu bản sắc để tới với may mắn, thiện lành và bình yên nơi không gian thiền tự linh thiêng màu nhiệm của Bảo Hải Linh Thông tự.

Chùa Lôi Âm (Đại Yên)

Đường đến chùa Lôi  m khá phức tạp, nhưng đó là một hành trình xứng đáng để trải nghiệm. Từ quốc lộ 18 rẽ vào hồ Yên Lập, thuê một chuyến đò lênh đênh trên lòng hồ xanh thẳm ôm quanh chân núi với những đảo nổi tự nhiên như đảo Bàn Tay, đảo Canh, đảo Cua, đảo Giáp Giới… cùng rừng thông bao la phủ kín các ngọn đồi, đã thấy cảm giác như được rũ bỏ hết những âu lo bộn bề, để tới chốn tiên cảnh.

Rời đò lên bến, hành trình đến ngôi chùa trên độ cao hơn 500m sẽ trải qua con đường nhỏ trải nhựa chạy men triền núi, qua 7 ngọn đèo bao gồm: 5 ngọn đồi dốc cao và 2 ngọn đồi dốc thoải, 1 đoạn dốc ngược, một con đường mòn uốn lượn trong rừng thông và rừng nguyên sinh. 

Ẩn mình giữa rừng thiêng của “Linh Thứu Kỳ Sơn”, lịch sử 500 năm của ngôi chùa cùng với những huyền thoại về sự linh ứng của nó đã đưa Lôi  m trở thành ngôi chùa thiêng bậc nhất tại Quảng Ninh
Ẩn mình giữa rừng thiêng của “Linh Thứu Kỳ Sơn” cùng với bề dày lịch sử 500 năm, ngôi chùa đã trở thành ngôi chùa linh thiêng bậc nhất tại Quảng Ninh

Mất khoảng 1h đồng hồ cho việc leo bộ qua tuyến đường này, nhưng mỗi cung đường lại mở ra những xúc cảm mới. Con đường dốc rồi lại thoải, hai bên vi vút rặng thông già và nương dứa xanh trải rộng dài. Càng lên cao, đường càng dốc, hẹp lại và tối dần, mấp mô những tảng đá đã mòn theo dấu chân, thi thoảng trồi lên những rễ cây cổ thụ nhiều hình thù kỳ quái giữa rừng già rậm rịt. Và rồi, khi ta tưởng như không thể bước tiếp thì trước mắt sáng bừng một khoảng bình nguyên mát lộng, nơi mái chùa Lôi  m vút cong dưới mây trời và sau lưng là núi thẳm xanh, bình yên vô đối. 

Không bề thế, ẩn mình giữa rừng thiêng của “Linh Thứu Kỳ Sơn”, lịch sử 500 năm của ngôi chùa cùng với những huyền thoại về sự linh ứng của nó đã đưa Lôi  m trở thành ngôi chùa thiêng bậc nhất tại Quảng Ninh.

Chiêm bái hết chùa chính, hãy men theo con đường nhỏ bên phải chùa để tới Ban Mẫu. Rồi đi thêm một đoạn giữa bao la núi rừng hoang sơ là thấy hang Cậu. Từ vị trí hang Cậu chênh vênh bên sườn núi, du khách có thể ngắm được toàn cảnh vùng hồ nhấp nhô đẹp như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Những buổi chiều thu, ngồi trên đỉnh núi ngắm mặt hồ xanh ngọc êm dịu, cảm giác của bất cứ ai sẽ là “muốn ở đây thôi chẳng muốn về”.
 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/di-het-quang-ninh-qua-nhung-quan-the-tam-linh-dep-ngoan-muc-20201231000002176.html