19/01/2025 | 10:06 GMT+7, Hà Nội

Dệt nhuộm và nỗi lo hệ lụy môi trường

Cập nhật lúc: 02/04/2019, 09:01

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mỗi năm, dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất toàn thế giới và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra. Các hóa chất nguy hại là độc tố tiêu diệt thủy sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhiều hệ lụy môi trường

Các nhà máy dệt nhuộm luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: P.V

Các nhà máy dệt nhuộm luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ may mặc, những năm gần đây, ngành dệt may của nước ta đang có cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, đứng trước nỗi lo về các hệ lụy môi trường mà các nhà máy dệt nhuôm gây ra đã khiến nhiều địa phương thẳng thừng từ chối các dự án trị giá hàng tỉ đô la đầu tư vào lĩnh vực này.

Mặc dù các văn bản pháp luật đã quy định, các công ty dệt nhuộm phải có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường, nước thải trước khi xả ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng rất ít công ty đạt được. Bởi để đạt được tiêu chuẩn này, nhà máy xử lý nước thải phải hiện đại và có công suất đủ lớn. Trong khi đó, áp lực tiết giảm chi phí khiến một số doanh nghiệp chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải mang tính đối phó khi cơ quan chức năng tới kiểm tra.

Hệ quả là đã có rất nhiều các công ty trong lĩnh vực dệt nhuộm vi phạm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường. Có thể kể ra một số vụ xảy ra trong thời gian qua như Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (Trung Quốc) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã 7 lần bị niêm phong do xả thải trái phép. Công ty này đã tự ý xây dựng phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm. Xả thải chưa qua xử lý ra hồ Đá Đen, nơi cung cấp nước sạch cho 90% người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường, Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam vi phạm rất nhiều các quy định về bảo vệ môi trường. Cũng theo kết luận, mỗi ngày khai thác trái phép, sử dụng khoảng 2.760 m3 nước ngầm để phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà không có giấy phép khai thác nước dưới đất cũng như giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước; tự ý bổ sung công đoạn nhuộm nhưng trong thời gian dài, công ty này không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hay như Công ty PangRim Neotex tại Phú Thọ đã “bức tử” sông Hồng trong nhiều năm. Từ năm 2010, Cảnh sát Môi trường đã 6 lần phát hiện công ty này xả nước thải chưa qua xử lý ra sông dù có hệ thống xử lý nước thải. Các chất hữu cơ, kim loại nặng trong nước thải của Công ty Pangrim Neotex đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Nước thải tại điểm thải cuối cùng ra sông có mùi khó chịu và không đạt tiêu chuẩn; nồng độ chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 16,5 lần; ô nhiễm chất hữu cơ như COD vượt 10,5 lần, BOD5 vượt 7,2 lần; đặc biệt nồng độ Crôm VI vượt 6,9 lần, độ màu vượt 24,7 lần.

Đến năm 2016, lại một lần nữa, Công ty xả nước thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường khiến Tổng cục Môi trường phải quyết định xử phạt 456,8 triệu đồng và yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, lắp đặt camera giám sát và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ.

Hay như gần đây, tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Dệt Pacific Crystal tại khu Công nghiệp Lai Vu (huyện Kim Thành) về hành vi xả nước thải có những thông số vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường, số tiền phạt là 672 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp khắc phục.

Tuy nhiên, sau khi Tổng cục Môi trường kiểm tra việc hoàn thiện các yêu cầu về môi trường, Công ty Dệt Pacific Crystal vẫn chưa thực hiện đúng nên tiếp tục bị xử phạt số tiền 340 triệu đồng; đình chỉ 50% thiết bị, dây chuyền nhuộm có phát sinh nước thải trong thời hạn 3 tháng.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở dệt, nhuộm gây ô nhiễm nhưng nguy cơ về sự cố môi trường do dệt, nhuộm gây ra vẫn là nỗi lo thường trực.

Câu chuyện về ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy, làng nghề dệt nhuộm tại Phương La (Thái Bình), Vạn Phúc (Hà Nội), Tương Giang (Bắc Ninh)... hay từ các cơ sở dệt nhuộm ven kênh Tham Lương (TP.HCM) vẫn còn nguyên tính thời sự và làm đau đầu những nhà quản lý.

Thận trọng trong việc cấp phép đầu tư đối với các dự

Sau những vụ việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường được phát hiện, các địa phương không tránh khỏi lo ngại trước những dự án đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Rất nhiều các địa phương đã thẳng thừng từ chối các dự án có giá trị hàng tỉ đô la và đưa các dự án có công đoạn nhuộm vào diện hạn chế hoặc tạm dừng thu hút đầu tư.

Không chỉ từ chối những dự án đầu tư mới mà ngay cả những dự án dệt, nhuộm xin nâng tỷ lệ nhuộm cũng không được phê duyệt. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã không chấp thuận cho Nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, 100% vốn Đài Loan, do Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (EFV) làm chủ đầu tư, có tổng vốn 40 triệu USD, nâng tỷ lệ nhuộm từ 10% lên 100%.

Năm 2018, UBND tỉnh Tây Ninh đã từ chối cho Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp TMTC, chủ đầu tư Khu công nghiệp TMTC (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu), thực hiện các dự án gia công dệt nhuộm tại khu công nghiệp này. Công văn của UBND tỉnh Tây Ninh nêu rõ quan điểm, theo chủ trương của tỉnh, Khu công nghiệp TMTC không được phép tiếp nhận dự án trong lĩnh vực dệt nhuộm.

Hay như tỉnh Vĩnh Phúc đã 4 lần từ chối dự án Nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn TAL của Trung Quốc có số vốn đăng ký 350 triệu USD. Nguyên nhân là do không phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Bộ Công Thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, lượng nước thải của dự án trung bình 11.840 m3/ngày/đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây. Lượng xả này nhiều gấp đôi lượng nước sông Mây, nếu sự cố xảy ra, nước sông không bảo đảm đủ để pha loãng nồng độ sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Ngay cả Hải Dương, thời gian gần đây tỉnh này đã đưa ra 6 lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư, bao gồm: dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm); sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan và trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da; sản xuất nhựa tổng hợp, Composit, sản xuất giấy từ bột giấy, cao su…

Một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án dệt nhuộm bị từ chối là do ngành này sử dụng rất nhiều các loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt nên ngành công nghiệp dệt nhuộm được xem là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Công đoạn nhuộm và hoàn tất vải là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD), các kim loại nặng độc hại, các chất rắn lơ lửng... cũng như độ màu rất cao.

Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước, khí thải của ngành dệt nhuộm phát tán ra môi trường như: hơi, bụi bông, Cl, SO2, CO, CO2. NOx… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Hầu hết các loại phẩm nhuộm đều có độc tính, một số loại còn có khả năng gây ung thư. Đơn cử như khí clo thoát ra từ khâu giặt có tác dụng kích thích niêm mạc đường hô hấp và mắt. Ở nồng độ cao, Clo có thể gây chết bất ngờ do ngừng hô hấp và ngất, phù phổi và bỏng hóa học…

Không thể phủ nhận những đóng góp của ngành dệt may vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để giảm thiểu các hệ lụy về môi trường mà ngành này gây ra, các địa phương muốn cấp phép cho các doanh nghiệp vào đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm quy mô lớn thì cần trình Chính phủ, Bộ TN&MT đánh giá, thẩm định dự án.

Không nên vì yếu tố địa phương mà đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế. Bởi các dự án dệt nhuộm khi xảy ra sự cố môi trường thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.