19/01/2025 | 09:24 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất trên 700 triệu: Đừng so sánh với nước ngoài

Cập nhật lúc: 20/04/2018, 16:31

Bộ Tài chính lại thêm một lần nhận phản ứng trái chiều từ phía dư luận khi đưa ra đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng với mức 0,4% mỗi năm cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Đề xuất này khiến không ít người dân sững người bởi đã có hàng loạt sắc thuế khác được đề xuất tăng chỉ trong thời gian ngắn một năm qua.

Người ta làm sao mình làm vậy!?

Tại cuộc họp báo ngày 13/4 về nội dung đề xuất Luật Tài sản, để dẫn chứng cho sự cần thiết của thuế tài sản, Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia, đặc biệt là ở những nơi có nền kinh tế thị trường phát triển.

Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế: “Hiện có 174 trong số 193 nước, vùng lãnh thổ thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội”.

Cũng theo ông Thi, thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản…

Còn ở Việt Nam, qua đánh giá của Bộ Tài chính, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản - thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất. Chính vì thế, để tái cơ cấu nguồn thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu tài sản và “phù hợp với thông lệ quốc tế” thì việc ban hành Luật thuế tài sản là cần thiết.

Như thế, theo đại diện Bộ Tài chính, người dân được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng, giao thông, phúc lợi xã hội thì phải có nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước.

Hợp lòng Bộ nhưng đi ngược lòng dân

Dù lời giải thích của Bộ có dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể ở nước ngoài, nhưng theo phần đông người dân khi được hỏi, thu nhập người dân Việt Nam vẫn còn mức thấp trong khi giá nhà đất nhiều nơi bị “thổi” lên quá cao.

Mua nhà đối với một bộ phận người dân vẫn “khó như lên trời”, việc đánh thuế tài sản cần phải được tính toán kỹ, không thể cứ nước ngoài áp dụng sao mình làm vậy. Ngưỡng chịu thuế là một vấn đề rất lớn cần phải tính toán kỹ, nếu không sẽ dẫn đến trốn thuế, phản ứng dữ dội.

Đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất trên 700 triệu: Đừng so sánh với nước ngoài - ảnh 1Ảnh minh họa

 

Anh Đào Xuân Phúc (quê Bắc Giang) cho biết, vợ chồng anh đều làm thuê, người trông trẻ, người làm nhân viên kinh doanh, mức lương của cả hai đều chỉ vỏn vẹn 5-6 triệu đồng/tháng. Tháng nào cũng như tháng nào, chi tiêu cho một gia đình 3 miệng ăn đã hết nhẵn suất lương chồng, lương vợ anh bỏ ra tiết kiệm được đôi triệu.

Gần chục năm mới có số vốn dắt lưng, vợ chồng anh vừa mua một căn hộ chung cư ở Hà Đông với giá 1 tỷ đồng. Khi nhận nhà, anh Phúc đã chi gần 20 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân... Giờ nếu chiểu đúng đề xuất của Bộ Tài chính, đóng thêm 0,4% tiền thuế một năm cho phần vượt 700 triệu đồng của căn nhà, anh tính sẽ mất thêm chừng 2 triệu mỗi năm.

“Một tỷ với người ta là ít chứ nhà tôi là cạn ví cạn túi. Bộ đề xuất đóng thuế mà đọc tin xong tôi sững người mất cả tiếng. Ở thành phố đắt đỏ này, nhà cấp bốn mái tôn, diện tích 35-40 m2 trong ngõ ngách đã ngót nghét 7-800 triệu rồi, chung cư giá rẻ cũng trên dưới 1 tỷ, người nghèo cũng như người giàu đều phải chịu thuế?

Thực tế một ngôi nhà đang phải “gánh” biết bao nhiêu loại thuế, lệ phí, từ thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nhiều phí khác như lệ phí công chứng, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định. Chưa kể các khoản tiền phải nộp khi xin cấp sổ đỏ lần đầu. Giờ thêm thuế tài sản nữa biết tính sao…”- anh Phúc tính nhẩm.

Không quá chật vật chuyện nhà cửa như dân tỉnh lẻ, ông Dũng và bà Quỳnh (ngõ 66 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) mua được miếng đất 70m2 từ những năm 90. Ông bà xây nhà, vun vén tổ ấm với cơ ngơi khang trang sau 20 năm làm việc.

Dần dần đường sá mở rộng, con đường Hồ Tùng Mậu giá đất lên vùn vụt khiến căn nhà của ông bà có giá trị cả chục tỷ đồng. Ông Dũng tính nhẩm, nếu nộp thuế theo cách của Bộ Tài chính, mỗi năm ông bà phải nộp đến vài chục triệu. Mấy ngày hôm nay, ông cứ đi ra đi vào, chẳng bỏ chương trình thời sự nào. Hễ chuyên gia nào lên truyền hình bàn luận về đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất từ trên 700 triệu đồng là ông nghe không sót chữ nào. “Mong Bộ không áp dụng luật, chứ “sưu cao thuế nặng” vậy người dân lấy đâu tiền tiết kiệm, sinh hoạt? – ông Dũng phàn nàn.

Thuế xăng, thuế nhà, thuế tài sản... đóng hết liệu có tốt hơn?

Lâu nay người dân vốn đã bức xúc chuyện thuế khoá nặng nề, vì thế, câu chuyện đề xuất thuế của Bộ Tài chính dễ hiểu vì sao bị “cày xới” ở nhiều góc nhìn. Dù vậy, đến thời điểm này, từ góc nhìn của người dân đến chuyên gia bất động sản, kiến trúc sư, luật sư… hầu hết đều chưa đồng tình.

Đứng góc độ là một người dân đón nhận luật mới, nhà văn Đỗ Phấn bày tỏ quan điểm: Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế 0,4%/năm cho phần vượt 700 triệu đồng của mọi căn nhà, tôi thắc mắc tại sao Bộ lại lấy mức 700 triệu, chứ không phải mức 800 triệu hay 500 triệu?

Nên rõ ràng lý do đưa ra vấn đề này, căn cứ vào đâu để có mức 700 triệu? “Mặc dù dư luận đang xuất hiện nhiều luồng ý kiến, tuy nhiên luồng chủ đạo nhất là không ai muốn đóng thuế này cả. Nhiều người thắc mắc, vì sao họ đã phải mua đất xây nhà, đã đóng thuế từ hòn gạch, thùng sơn; hay thuế mua bán nhà cửa... mà giờ phải thêm thuế nữa. Người dân cần thông tin chính thức, ví như mức 700 triệu kia là tính theo giá thị trường hay khung giá nào theo quy định gì? Nếu Bộ Tài chính có nghiên cứu đúng, hợp lý thì người dân sẽ chấp hành” – ông Phấn nói.

Đồng ý phải thu thuế tài sản nhưng phải có mức thu hợp lý, áp dụng trong thời điểm hợp lý - đó là ý kiến của KTS Nguyễn Vĩnh Tiến. Theo KTS Tiến: “Ở các nước văn minh, việc đánh thuế vào những người giàu, nhiều tài sản được coi là bước tiến của xã hội bởi mục đích của nó là tạo nên sự bình đẳng xã hội, giảm sự di cư ồ ạt vào các thành phố.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế 0,4% /năm cho phần vượt 700 triệu đồng của mọi căn nhà trong thời điểm này là chưa hợp lý. Bởi theo đơn giá thị trường, ở Hà Nội, hầu hết những người sống ở căn nhà có mức giá dưới 700 triệu là những người thu nhập thấp; nhà trị giá cao hơn mới đánh thuế nhưng số người thu nhập thấp có nhà trên 700 triệu cũng rất nhiều. Nếu số người thu nhập thấp phải chịu thuế này quá nhiều thì tôi e ngại việc thu thuế chồng chéo sẽ gây thêm khó khăn cho đời sống của họ”.

Theo KTS Nguyễn Vĩnh Tiến, nhược điểm của phương án này là tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

Chuyên gia bất động sản - GS.TS Đặng Hùng Võ thẳng thắn, ông ủng hộ việc nâng thuế đất và đánh thuế nhà nhưng không đồng ý cách đánh thuế nhà mà Bộ Tài chính vừa mới đề xuất.

Theo ông, không nên đánh thuế theo giá trị nhà ở như đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay bởi như vậy sẽ khiến cho các chủ đầu tư đồng loạt xây dựng nhà giá rẻ, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của đô thị, khiến những thành phố xanh, hiện đại sẽ không bao giờ hiện diện.

Nếu áp dụng việc thu thuế tài sản theo dự kiến, của Bộ Tài chính thì chính sách hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp mất ý nghĩa. Nghịch lý chắc chắn phát sinh. “Một mặt Nhà nước mở gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng (lãi suất 5%) để giúp lao động nghèo mua nhà.

Mặt khác, Bộ Tài chính lại đề xuất “đánh thuế”, chẳng khác nào, chúng ta “cho” họ tiền mua nhà và giờ “đòi” lại số tiền đó. Giấc mơ an cư của phần đông người dân lao động, dân ngoại tỉnh… sẽ ngày càng xa tầm với” – TS Võ cho biết.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, ông cảm thông với Bộ Tài chính đang chịu sức ép rất lớn phải tìm cách bù đắp nguồn thu ngân sách bị hụt do cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu theo cam kết hội nhập.

Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh nước ta, với một nền kinh tế thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.200 USD/người/năm thì phải suy xét lại... Chính sách nào cũng phải xét trên thực tế và đặc thù của Việt Nam để đưa ra cho hợp lý, chấp nhận được, không thể cứ đưa ra lập luận quen thuộc “phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Cũng theo ông Doanh, mức đánh thuế tài sản nhà đất từ trên 700 triệu đồng là không hợp lý. “Để có căn hộ nhỏ an cư, đa số người dân phải vay ngân hàng với lãi suất không thấp, giờ lại bắt họ đóng thuế sẽ đẩy họ vào thế khó khăn hơn. Cộng thêm cùng thời điểm Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường với xăng dầu khiến người dân cảm thấy sốc” - ông Doanh nhận định.

Trước đề xuất thu thuế tài sản, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính đang “sốt ruột” thu về cho nhà nước mà quên mất quyền lợi của người dân. Liệu sau khi áp dụng đủ thuế xăng, thuế nhà, thuế tài sản… quyền lợi của người dân có được đảm bảo?

Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo Luật Thuế tài sản. Theo HoREA, ở nước ta, hiện nay, chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, có đất ở theo quy định của “Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” năm 2010.

HoREA đề nghị không áp thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội. HoREA nhận thấy dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đề xuất không áp thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống chưa thật thỏa đáng.