22/01/2025 | 19:49 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất 4 giải pháp nhằm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Cập nhật lúc: 08/05/2021, 16:10

Nhằm hoàn thiện hơn chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, mới đây Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất bổ sung 4 giải pháp cụ thể.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 29/9/2012 đã trải qua 8 năm triển khai và đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; dư nợ tín dụng xanh đạt gần 238 nghìn tỷ đồng năm 2018 (tăng 235% so với năm 2015).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chiến lược vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Nhận thức của các cấp chính quyền, người dân về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã có những chuyển biến tích cực nhưng mới chỉ là bước đầu. Chưa có sự phân biệt rõ ràng về khái niệm, mục tiêu, nhiệm vụ giữa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với các chiến lược khác có liên quan. 

“Một số giải pháp trong Chiến lược thời kỳ 2011 - 2020 còn chưa xác định được trọng tâm ưu tiên nên gặp khó khăn trong triển khai, theo dõi, giám sát và đánh giá. Do đó, cần xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới để thay thế Chiến lược thời kỳ 2011 - 2020 đã hết hiệu lực, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Phát triển xanh
Ảnh minh họa.

Vì vậy, Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố đã đưa ra các mục tiêu tổng quát cũng như giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh… 

Trong đó, tập trung vào điều chỉnh, bổ sung 4 nội dung chính:

Thứ nhất, mở rộng độ bao phủ so với Chiến lược cũ; bổ sung nhiều quan điểm, mục tiêu, nội dung mới so với Chiến lược giai đoạn trước như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, văn hóa, y tế, giáo dục, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và thụ hưởng thành quả tăng trưởng... để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa đảm bảo tăng trưởng xanh, vừa thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và xây dựng xã hội Việt Nam nhân văn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược mới được tính toán, đề xuất trên cơ sở nhiều phương pháp định lượng, kết hợp các mô hình kinh tế lượng, mô hình cân bằng tổng thể, các mô hình ngành trong xây dựng các kịch bản tăng trưởng xanh cho tổng thể nền kinh tế và từng ngành ưu tiên, phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược; cập nhật những yếu tố ảnh hưởng mới; đảm bảo tính đồng bộ và tương hỗ với các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Công tác theo dõi, đánh giá và chế độ báo cáo được đảm bảo tính khả thi dựa trên những mục tiêu, chỉ tiêu định lượng (đã xác định được phương pháp tính toán và cơ quan theo dõi, thống kê).

Thứ ba, kết cấu của Chiến lược đã có sự điều chỉnh để hạn chế chồng chéo và tăng mức độ cụ thể, tạo thuận lợi cho tra cứu, triển khai, theo dõi và đánh giá: Mục tiêu cụ thể được kết cấu thành 4 nhóm (nhóm chỉ tiêu tổng hợp; các nhóm chỉ tiêu về xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và nâng cao chất lượng sống, đảm bảo tính bình đẳng). Các giải pháp được chia theo 2 nhóm: Giải pháp có tính xuyên suốt và giải pháp theo ngành ưu tiên.

Thứ tư, tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành thực hiện Chiến lược được đề xuất kiện toàn theo hướng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh ở Trung ương và Ban chỉ đạo tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh.

Trước những đề xuất bổ sung về giải pháp nhằm hoàn thiện hơn chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh còn giúp khắc phục những hạn chế tồn tại. Từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển, hướng tới xanh hoá kinh tế, xanh hoá đời sống và tiêu dùng bền vững.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/de-xuat-4-giai-phap-nham-hoan-thien-chien-luoc-quoc-gia--20201231000001967.html