23/11/2024 | 16:42 GMT+7, Hà Nội

Đấu thầu xe điện: TP Sầm Sơn “cầu cứu” các sở ban ngành tỉnh Thanh Hóa

Cập nhật lúc: 22/04/2020, 10:30

Không thể đấu thầu bổ sung xe điện năm 2020 theo đúng hạn quy định, TP Sầm Sơn ra hàng loạt văn bản “cầu cứu” các sở ban ngành tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 13/03/2020, TP Sầm Sơn giao Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn làm đại diện bên mời thầu tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu bổ sung xe điện hoạt động trên địa bàn TP Sầm Sơn năm 2020.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/03/2018 về việc bổ sung xe điện tại Thành phố Sầm Sơn. Cụ thể, năm 2018 bổ sung thêm 43 xe, năm 2019 bổ sung 50 xe, năm 2020 bổ sung 50 xe.

Điều đáng nói là, sau hàng loạt kiến nghị của Công ty Phương Hiền thì cũng tại Quyết định số 06/2018/QĐ- UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định tổ chức và hoạt động xe điện 4 bánh vận chuyển khách trên địa bàn TP Sầm Sơn lại cho rằng các đơn vị có nhu cầu hoạt động vận tải khách bằng xe điện 4 bánh trên địa bàn TP Sầm Sơn thì phải thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Không những vậy, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ra Văn bản số 2273/UBND- CN ngày 28/02/2019 để tổ chức và hoạt động xe điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý là tại văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: Năm 2019 chưa bổ sung xe điện 4 bánh tại TP Sầm Sơn, năm 2020 bổ sung thêm xe điện theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Dĩ nhiên, hình thức đầu thầu rộng rãi bổ sung xe điện trên địa bàn TP Sầm Sơn mà UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành lại chưa được quy định trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của pháp luật.

Như vậy, bằng việc thực hiện Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/03/2018 và Văn bản 2273/UBND-CN ngày 28/02/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì TP Sầm Sơn đã gửi hàng loạt văn bản đến Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư… để xin “tư vấn”, hướng dẫn tháo gỡ “khó khăn” trong việc lập hồ sơ đấu thầu bổ sung xe điện năm 2020 trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Văn bản báo cáo của TP Sầm Sơn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa.

Việc đó được thể hiện tại văn bản 446/UBND-QLĐT ngày 17/02/2020 mà UBND TP Sầm Sơn gửi Sở GTVT về việc hồ sơ đấu thầu bổ sung xe điện trên địa bàn TP Sầm Sơn. Văn bản này nêu rõ: Thực hiện công văn số 1139/UBND-CN ngày 03/02/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc gia hạn thời gian bổ sung xe điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, để triển khai kịp thời kịp tiến độ đấu thầu bổ sung 50 xe điện hoạt động trên địa bàn TP Sầm Sơn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, xong trước ngày 29/02/2020.

UBND TP Sầm Sơn đã lập đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (Công ty tư vấn đấu thầu Thanh Hóa, Công ty cổ phần đầu tư 72…) đồng thời cung cấp các văn bản chỉ dẫn để các đơn vị nghiên cứu lập hồ sơ mời thầu. Sau khi xem xét các quy định của pháp luật, của UBND tỉnh Thanh Hóa các đơn vị tư vấn nêu trên đều từ chối lập hồ sơ mời thầu.

Lý do từ chối lập hồ sơ mời thầu được các đơn vị tư vấn thể hiện bằng việc hình thức đầu thầu rộng rãi bổ sung xe điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn chưa được quy định trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, do đó các đơn vị tư vấn không thể lập được hồ sơ mời thầu và thực hiện các quy định để đấu thầu. Ngoài ra, với hình thức tự thực hiện, theo Quy định tại điều 25, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và điều 63, nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính Phủ thì UBND TP Sầm Sơn không đủ năng lực để tự thực hiện lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu bổ sung 50 xe điện.

Cũng tại Văn bản 446/UBND-QLĐT ngày 17/02/2020 này UBND TP Sầm Sơn đề nghị Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn trong việc đấu thầu bổ sung xe điện, xe buýt điện trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Đáp lại những văn bản “cầu cứu” của UBND TP. Sầm Sơn, ngày 03/04/2020, Sở GTVT có Văn bản số 1224/SGTVT-KHTC gửi UBND TP Sầm Sơn về việc xây dựng quy chế, quy định việc lựa chọn đơn vị bổ sung xe điện, xe buýt điện tham gia hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Như vậy, tại sao các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa lại khăng khăng thực hiện việc đấu thầu bổ sung xe điện nhưng việc đấu thầu bổ sung xe điện này lại chưa có trong quy định của pháp luật. Như vậy, việc các cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu thầu bổ sung xe điện, xe buýt điện là cố tình đi ngược với pháp luật đã quy định trước đó hay tạo tiền lệ riêng của tỉnh Thanh Hóa?.

Tỉnh Thanh Hóa cần có biện pháp cụ thể để loại hình xe điện 4 bánh chở khách trở thành điểm nhấn trong ngành du lịch của địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn khẳng định: “Việc tổ chức đấu thầu bổ sung xe điện, xe buýt điện là hình thức không có trong quy định của pháp luật, để thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa tại các Văn bản số 06/2018/QĐ- UBND ngày 09/03/2018 và Văn bản 2273/UBND- CN ngày 28/02/2019 thì TP Sầm Sơn đã gửi hàng loạt văn bản đến các sở ban ngành liên quan để xin ý kiến, hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu. 

Tuy nhiên, việc đấu thầu bổ sung xe điện, xe buýt điện chưa có trong quy định của pháp luật nên các Sở không đồng nhất ý kiến dẫn đến hình thức đấu thầu bổ sung xe điện, xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn TP Sầm Sơn bị hủy bỏ. Trên cơ sở tham gia ý kiến của các Sở, TP Sầm Sơn báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc, khó khăn và tỉnh giao sở GTVT chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng quy chế lựa chọn trình phê duyệt để tổ chức triển khai trong năm 2020.

Ngoài ra, với sự công bằng, khách quan, minh bạch trong việc việc lựa chọn đơn vị đủ tiêu chuẩn tham gia thí điểm xe điện, xe buýt điện trên địa bàn thành phố phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng giao thông, chúng tôi hy vọng các đơn vị muốn thực hiện thí điểm xe điện, xe buýt điện cần bình tĩnh, xây dựng phương án, đề án cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng sự cần thiết và đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Bá Quyền, một người dân TP. Sầm Sơn cho biết: “Qua mấy năm tỉnh Thanh Hóa cho các đơn vị hoạt động thí điểm xe điện chở khách trên địa bàn TP Sầm Sơn, những người dân chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều bất cập như: Tình trạng xe điện chạy bát nháo, dừng xe, đỗ xe sai quy định diễn ra thường xuyên, nhiều lái xe ép khách, nhồi nhét từ 5- 10 người trên 1 xe, chặt chém giá cả khiến du khách bức xúc, không những vậy các chủ xe còn tự điều chỉnh công suất để tăng tốc độ xe lên 40 - 45km/h dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông diễn ra thường xuyên.

Theo chúng tôi được biết, các tỉnh khác đã rất thành công trong việc thực hiện thí điểm xe buýt điện 4 bánh như TP HCM, Đà Nẵng... (chở được 15 người). Nó vừa đảm bảo an toàn, kiểu dáng đẹp, đã được nhiều nước đưa vào sử dụng thành công. Ngoài ra 1 xe buýt điện đó có thể chở được gấp 2 lần xe điện bình thường vừa đảm bào chi phí cho đoàn, nhóm du khách từ 6 người trở lên lại vừa tiết kiệm được số lượng xe lưu thông trên đường chật hẹp như các điểm du lịch”.