19/01/2025 | 01:22 GMT+7, Hà Nội

Đặt bình chữa cháy ở đâu trong ô tô là an toàn nhất?

Cập nhật lúc: 07/01/2016, 14:56

Kể từ ngày 6/1/2016, Thông tư 57 chính thức được áp dụng. Theo đó, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg.

Tuy nhiên, nhiều người lái xe vẫn băn khoăn về việc đặt bình chữa cháy ở đâu trong xe là hợp lý và an toàn nhất? Đã có nhiều trường hợp cháy/nổ xảy ra do bình chữa cháy đặt sai vị trí hoặc gây khó khăn cho lái xe.

Được biết, hầu hết các bình chữa cháy dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát với nhiệt độ không quá 50 - 55°C.

Do đó, khi đặt bình cứu hỏa trên ôtô, người lái xe cần chú ý tránh những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như khu vực táp-lô, khay để đồ dưới kính hậu (xe hatchback) hay cột A... bởi trong điều kiện mùa hè, nhiệt độ cao và ánh nắng rọi vào sẽ làm tăng nguy cơ nổ bình cứu hỏa.

Tuyệt đối không nên đặt bình chữa cháy ở những vị trí này

Chia sẻ với báo Dân Việt mới đây, Thượng tá Trần Quốc Thường, Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 đã khuyến cáo: “Người dân lưu ý không để bình cứu hỏa ở cốp sau của xe ô tô bởi vì vị trí này dễ xảy ra va đập gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn lái xe nên đặt bình cứu hỏa ở nơi dễ nhìn, dễ lấy như bên cánh cửa phải, gần ghế ngồi phía trước của xe ô tô”.

Như vậy, vị trí tốt nhất để đặt bình chữa cháy là ở dưới gầm ghế, dưới chân hành khách phía trước, hoặc hốc để đồ trên cánh cửa.

Điều quan trọng là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái xe để thuận tiện xử lý khi có sự cố xảy ra, tuyệt đối không để bình chữa cháy trong tầm tay trẻ nhỏ.

Danh mục và định mức trang bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng tùy loại bình cứu hỏa (dạng bột hay dạng khí) mà có thời hạn sử dụng khác nhau, do đó, cần lưu ý để luôn đảm bảo rằng bình cứu hỏa trong xe luôn trong tình trạng tốt nhất (thường đối với bình cứu hỏa dạng bột loại 1kg có thể tới 5 năm, đối với bình khí CO2 thì phụ thuộc vào lượng khí bên trong - đo bằng cách cân bình).