23/01/2025 | 03:06 GMT+7, Hà Nội

Đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Cập nhật lúc: 17/03/2023, 06:20

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm đồ uống có đường là chưa phù hợp. Doanh nghiệp cũng kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường..., trong đó có đồ uống có đường.

Đồ uống có đường không phải là nguyên nhân gây béo phí

Thảo luận về đề xuất này tại hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát (VBA) cho rằng, hiện nay chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân, béo phì. "Nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt", ông Đỗ Thái Vương cho biết.

Vì vậy, Trưởng tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì.

Doanh nghiệp kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Doanh nghiệp kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Góp ý tại hội thảo, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhận định, khái niệm "đồ uống có đường" chưa rõ ràng. Từ trước đến nay, đồ uống có đường được hiểu là tất cả sản phẩm dùng để uống và có đường như sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, bệnh nhân và phụ nữ mang thai. Đây được xem là những mặt hàng thiết yếu được dùng hằng ngày ở mọi gia đình.

Hơn nữa, việc xem đường là "tội phạm" gây thừa cân, béo phì là không đúng. Nhìn từ góc độ y tế, ông Trung cho biết con người đang sống nhờ những thực phẩm có đường như sữa bò, hoa quả.

Do đó, nếu bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ đẩy giá thành cả các sản phẩm có lợi cho sức khỏe này lên cao, trong khi nhiều người lao động đang thiếu việc làm dẫn đến thu nhập giảm, sẽ hạn chế tiêu dùng.

Với những bất cập trên, các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị hoãn đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn trong giai đoạn khó khăn hiện nay để không gây thêm áp lực cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Truyền thông Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện nay, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường".

Cùng với đó, nếu chỉ áp thuế đối với đồ uống có đường thì không chỉ không giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà còn tạo ra một chính sách thuế mang tính phân biệt. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,… cũng như cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đề xuất từ Tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia nên cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng cơ sở đề xuất này là rất bất hợp lý, vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế tiêu thụ đặc biệt và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế hoặc không khuyến khích tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe-thực tế chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng thức uống đại mạch có hại cho sức khỏe.

Có nên tăng thế trong giai đoạn hiện nay

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR) nêu rõ thực trạng, ngành sản xuất đồ uống có tăng trưởng sản xuất nhưng cũng biến động rất lớn trong 5 năm qua. Chẳng hạn như đại dịch Covid-19 vừa qua, những thiệt hại trong ngành này lớn hơn nhiều so với các ngành thực phẩm, thuốc lá.

Trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế cho doanh nghiệp, người dân nên để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng nội địa. Thay vì tăng thu từ thuế nên nuôi dưỡng cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

"Nếu tăng thuế suất lúc này, tổng thu ngân sách chưa chắc tăng, ngược lại có thể giảm vì mức thuế quá cao. Tổng cầu trên GDP đang giảm mà tăng thuế sẽ khiến tỷ trọng này đi xuống. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng" - ông Nguyễn Quốc Viện nhận định.

Đưa ý kiến về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế (VCCI), đặt câu hỏi là trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch, việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hay không?

"VCCI đã kiến nghị tiếp tục kéo dài chương trình giảm 2% thuế VAT nhưng chưa được chấp thuận. Trong bối cảnh chưa giảm thuế được thì có nên bàn việc tăng thuế hay không?” - ông Tuấn nêu vấn đề.

Vì vậy, ông đề nghị làm rõ việc đánh thuế vào sản phẩm đồ uống có đường liệu có làm giảm được các loại bệnh thừa cân, béo phì? Cũng bởi, việc đánh thuế phải theo thông lệ quốc tế, tăng thuế có thể tăng thu, nhưng dự thảo chưa chứng minh được việc tăng thuế sẽ làm giảm hành vi tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng nói rằng những nghiên cứu hành vi tiêu dùng của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống là chưa đầy đủ. Bởi dự thảo đang thiếu đánh giá dịch chuyển hành vi trong trường hợp đánh thuế, khi người tiêu dùng có thể chuyển từ sử dụng sản phẩm từ khu vực chính thức sang không chính thức (hàng lậu).

Đồng tình với đề nghị của ông Thành, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần tính toán thời điểm và trình tự áp thuế cho phù hợp. Trước mắt chưa nên xáo trộn, thay đổi mức thuế này và có giai đoạn chuyển tiếp, nghiên cứu kỹ lưỡng các căn cứ, thực hiện thí điểm ở mức độ cẩn trọng từ năm 2026.

Tiêu dùng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng

Tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh qua các năm. Năm 2002, trung bình mỗi người dân chỉ tiêu thụ khoảng 6 lít đồ uống có đường, thì đến năm 2013 con số này đã là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2016, lượng tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng gấp 3 lần, nước trái cây tăng 10 lần, sản phẩm đồ uống thể thao và nước tăng lực tăng 9 lần và sản phẩm trà/café hòa tan tăng 6 lần.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có dân số với độ tuổi 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46%. Đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/danh-thue-ttdb-voi-do-uong-co-duong-van-con-nhieu-ban-khoan-76134.html