15/05/2024 | 23:51 GMT+7, Hà Nội

Danh sách 4 lô đũa của Việt Nam chứa hydrogen peroxide

Cập nhật lúc: 12/01/2016, 04:23

Ngày 11/1/2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận được thông tin liên quan đến 4 lô đũa sử dụng một lần của Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan theo đề nghị ngày 8/11/2016 của Cục An toàn thực phẩm.

Cụ thể như sau: 

STT

Tên sản phẩm

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với sản phẩm ở Đài Loan

Thời hạn sử dụng

Nguyên nhân không đạt yêu cẩu

1

Đũa tre

Công ty hữu hạn Quốc tế (WeiTing)

30/9/2016

Hydrogen peroxide (dương tính)

2

Đũa vệ sinh

Công ty hữu hạn Tương Thái (JiangTai)

31/12/2018

-nt-

3

Đũa tre sạch thiên nhiên

Công ty hữu hạn cổ phần thương mại Mã Nhi Tư (Ma Er Si)

31/12/2017

-nt-

4

Đũa có bao bì dùng 1 lần

Công ty hữu hạn thực nghiệp đồ tre trúc Quảng Minh (GuangMing)

31/12/2019

Biphenyl (0,22ppm)

Cục An toàn thực phẩm cho biết, đang tiếp tục đề nghị phía Đài Loan cung cấp tên đầy đủ, chính xác và địa chỉ cụ thể của các nhà sản xuất ra các loại đũa trên ở Việt Nam để có cơ sở tiến hành các biện pháp quản lý cần thiết.

Được biết, ngay trong ngày 10/1/2016, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia lấy mẫu các sản phẩm đũa dùng 1 lần trên thị trường để kiểm nghiệm các chất tẩy trắng, kết quả cho thấy 10 mẫu đũa lấy trên thị trường đều âm tính với chất tẩy trắng.

Ngoài ra, năm 2013 trong chương trình giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng đã lấy 20 mẫu đũa tre dùng một lần và 5 mẫu tăm tre trên thị trường để giám sát các chất bảo quản và tẩy trắng thường dùng. Kết quả giám sát cho thấy các mẫu đũa tre và tăm đều không phát hiện các chất này.

Trước đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Đài Loan cho biết, đã phát hiện sản phẩm đũa dùng một lần của Việt Nam có chứa chất độc hại và yêu cầu thu hồi toàn bộ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. 250 mẫu đũa tại 170 cửa hàng lớn nhỏ buôn bán các bộ đồ ăn dùng một lần bị thu phát hiện có một mẫu chứa chất biphenyl và ba mẫu khác có chứa chất hydrogen peroxide. Chất phá hủy phổi, dạ dày và tuyến tụy.

Trong khi đó ở nước ta, đũa dùng một lần đặc biệt được ưa chuộng. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ quy chuẩn nào quy định về tính an toàn cho loại đũa dùng một lần nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của PV, không khó để tìm mặt hàng này ở bất cứ cửa hàng, kiốt bán đồ gia dụng hay các chợ lớn nhỏ. Mọi người dễ dàng mua đũa dùng một lần với giá rất rẻ, từ 12.000-15.000 đồng/bó 50 đôi. Sản phẩm dựng trong các bao nilon in sơ sài bằng loại mực rẻ tiền. Loại thì có nhãn mác, nhà sản xuất, địa chỉ liên hệ nhưng cũng có loại bao bì không hề có thêm bất kỳ thông tin gì, kể cả nguồn gốc xuất xứ.

TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, ngày xưa đũa thường được làm từ loại tre già ngâm trong nước nên ít bị mốc. Nhưng ngày nay người sản xuất dùng loại tre non, dễ bị nấm mốc nên để loại trừ bào tử nấm họ thường dùng cách như sấy khô, sử dụng hóa chất…

Chất hydrogen peroxide (H2O2) chính là nước ôxy già. Vai trò của nó dùng để sát trùng vết thương vì có tính ôxy hóa mạnh làm diệt vi khuẩn. Ngoài ra H2O2 có tính tẩy màu mà nhiều bạn nữ có lông tay lông chân dài đen họ còn bôi H2O2 (có nồng độ thấp dưới 5%) lên nhằm làm mờ lông đen hoặc người ta còn dùng nó để tẩy tóc trước khi nhuộm hoặc làm trắng răng.

Tuy nhiên, vì H2O2 có tính ôxy hóa mạnh nên nó có thể phá hủy các mô tế bào cho nên các chuyên gia khuyến cáo nên cẩn thận khi sử dụng H2O2, đặc biệt khi nồng độ H2O2 cao có thể gây ra cháy da khi tiếp xúc.

Trong đũa ăn một lần có thể họ dùng H2O2 với vai trò vừa làm trắng đũa vừa diệt nấm mốc. Ôxy già với hàm lượng nhỏ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, trên thực tế người ta vẫn dùng dung dịch H2O2 để khử trùng trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn H2O2 qua đường ăn uống có thể sẽ gây bỏng hệ tiêu hóa và nôn mửa.

TS Trần Quang Tùng cho biết thêm, ngoài tẩy trắng bằng ôxy già, người ta có thể dùng khí lưu huỳnh điôxit SO2. Khác với H2O2 đây lại là chất độc nguy hiểm. Hít phải khí SO2 gây ra chứng sổ mũi, ho và khản tiếng. Khi hít phải một lượng lớn SO2 có thể gây ngạt thở hoặc phù phổi cấp.

Trong không khí, SO2 có thể chuyển thành H2SO4 gây ra hiện tượng mưa axít. Nếu trong cơ thể người, SO2 vào dạ dày sẽ làm tăng lượng axít trong dạ dày qua đó làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm dạ dày, ợ nóng… Thực tế, ngày nay họ chỉ dùng SO2 để tẩy trắng bột giấy, vải sợi… chứ không dùng tẩy trắng trong thực phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng người dân không nên hoang mang về thông tin trên. Những mặt hàng được xuất khẩu đều phải trải qua những kiểm nghiệm ngặt nghèo. Đồng thời, ông Thịnh cũng cho hay không có chuyện chất biphenyl và hydrogen peroxide trong đũa gây phá hủy phổi, dạy dày, tụy.

Theo ông Thịnh cung cấp: Biphenyl thường xuất hiện trong các sản phẩm đồ nhựa, nếu nó hòa tan trong thực phẩm thì ảnh hưởng xấu đến thần kinh. Trong khi đó, đũa dùng một lần làm bằng tre, gỗ không thể xuất hiện chất này được. Về hydrogen peroxide có công thức H2O2, nhiều người biết đến với tên gọi nước ôxy già, nếu thực sự doanh nghiệp dùng thì có lợi chứ không phải hại. Chất này được phép dùng trong công nghệ thực phẩm, có tác dùng khử trùng, an toàn.

Hydrogen peroxide 35% ngành thực phẩm có thể được sử dụng để bảo quản sữa nguyên liệu và đóng gói đậu phụ. Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản (1985): hydrogen peroxide phân hủy trong các sản phẩm thực phẩm phải được loại bỏ, và hydrogen peroxide đã được sử dụng trong nấu mì, bánh cá và khử trùng thực phẩm khác hoặc thuốc tẩy.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật khi có thêm thông tin mới./.

“Mọi người cũng không nên chọn mua các loại đũa nhựa vì nhựa khi dùng để gắp thức ăn nóng sẽ giải phóng chất hóa học gây hại cho sức khỏe và cũng có thể bị biến dạng vì nhựa rất mềm. Loại đũa tốt nhất là loại có nguồn gốc tự nhiên như tre, trúc hoặc đũa inox, bạc... Loại đũa tre khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí. Có thể đem phơi dưới ánh nắng để chống mốc”.

TS Trần Quang Tùng