22/11/2024 | 21:58 GMT+7, Hà Nội

Dân mất nước 3 tháng ròng, đơn vị liên quan “đá bóng” trách nhiệm?

Cập nhật lúc: 01/08/2016, 13:38

Nhiều hộ dân khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) phải sống trong tình trạng mất nước sạch suốt gần 3 tháng nay. Trong khi đó, những đơn vị liên quan lại khẳng định họ vẫn đang làm đúng trách nhiệm, mặc cho người dân phải mua nước với giá “cắt cổ”…

Như thông tin đã phản ánh, từ tháng 5 đến tháng 7/2016, hàng trăm hộ dân ở khu nhà B2, B5 và B15 khu đô thị mới Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) bị thiếu nước, mất nước khiến cuộc sống của người dân nơi đây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, người dân khu đô thị Đại Kim sử dụng nước sạch của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác và Quản lý dịch vụ Đô thị và Thương mại (HANHUD).

Nhưng từ tháng 9/2012, công ty trên đã ký hợp đồng mua bán, đấu nối với van tổng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO).

Trong khi tình trạng mất nước vẫn đang diễn ra thì 2 đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp và phân phối nước lại “đá bóng trách nhiệm” cho nhau. Và hàng trăm hộ dân sống tại khu đô thị Đại Kim thì vẫn phải chịu cảnh mất nước, mua nước sạch bên ngoài để sử dụng với giá hơn 100.000 đồng/m3.

Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng không nhận được hồi âm. 

Tình trạng mất nước sạch kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ dân tại khu đô thị Đại Kim.

Tình trạng mất nước sạch kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng trăm hộ dân tại khu đô thị Đại Kim. 

Để xảy ra tình trạng mất nước kéo dài, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó GĐ Công ty HANHUD phân trần: "Công ty chúng tôi chỉ là đơn vị trung gian phân phối nước cho công ty VIWACO đến người dân chứ không phải đơn vị trực tiếp bán nước. Việc mất nước là do áp suất nước giảm nên nước không thể đến với những khu nhà ở cao và cuối nguồn".

Cũng theo ông Dũng, đồng hồ tổng tại khu đô thị Đại Kim từ năm 2012 đến đầu tháng 5/2016 đo được nguồn nước cấp cho người dân ổn định ở mức 40 - 50.000 m3/tháng. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 trở lại đây thì bị giảm dẫn đến việc mất nước.

Là đơn vị trực tiếp phân phối nước tới từng hộ dân, công ty HANHUD đã 3 lần gửi đơn kiến nghị lên VIWACO điều chỉnh tăng lưu lượng nước cho Khu đô thị Đại Kim và cung cấp xe téc nước miễn phí từ 8-10 xe/ngày cho các tổ dân phố nhưng chưa nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, về phía VIWACO, ông Bế Thành, Phó GĐ Kỹ thuật cho biết, không có chuyện áp suất nước bơm cho khu đô thị Đại Kim giảm so với trước kia.

“Chúng tôi vẫn đảm bảo lượng nước cung cấp cho đô thị Đại Kim từ trước đến nay với khối lượng 30 - 45.000 m3/tháng và việc cấp nước vẫn được đảm bảo duy trì đều đặn.

Có thể, đường ống của HANHUD lâu ngày không được bảo trì gây rò rỉ, thất thoát vài chục m3 nước/ngày gây nên việc thiếu nước, mất nước”, ông Thành nói. 

Trong khi các đơn vị cấp nước

Trong khi các đơn vị cấp nước "đá bóng" trách nhiệm cho nhau thì người dân đang phải mua nước với giá hơn 100.000 đồng/m3.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch của người dân tại khu đô thị Đại Kim, theo vị Phó GĐ Kỹ thuật VIWACO cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã họp các bên và giao cho VIWACO cùng HANHUD phối hợp với nhau xây một bể ngầm 400m3 và một máy bơm tăng áp tại khu đô thị Đại Kim để phục vụ người dân trong những đợt cao điểm mất nước.

“Dự án chúng tôi vẫn đang triển khai và đến cuối quý I/2017 sẽ đi vào hoạt động. Dự án này sẽ góp phần cung cấp nước ổn định cho tất cả các khu dân cư trong khu đô thị Đại Kim”, ông Thành khẳng định.

Lý giải về thực tế khu nhà B5 khu đô thị Đại Kim mất nước sạch suốt gần 3 tháng qua, ông Thành cho biết, khu B5 thuộc đất của Tổng công ty xi măng được Nhà nước cấp đất và xây dựng riêng.

Khu này nằm cao hơn các khu khác và hệ thống đường ống nước cũng không phải do Công ty HANHUD thiết kế, lắp đặt trước đây nên không đồng bộ

Đồng thời, “Do đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ lần thứ 18 nên áp suất nước nguồn bị giảm. Hơn nữa, đang cao điểm mùa nắng nóng nên người dân sử dụng nước nhiều. Cùng với lượng nước đó nhưng những hộ ở đầu nguồn sử dụng nhiều và nhà ai cũng có máy bơm hút thì những hộ ở cuối nguồn chắc chắn sẽ bị thiếu nước”

Cũng theo ông Thành chia sẻ thêm, người dân khu B5 đã bàn nhau đóng góp 30 triệu để lắp một máy bơm tăng áp riêng cho khu nhà nhưng chưa có nguồn điện đấu và người vận hành. Đơn vị  đang làm việc với phía chính quyền phường Đại Kim để giải quyết việc này./.