19/01/2025 | 16:16 GMT+7, Hà Nội

Mất nước kéo dài, sinh viên Hà Nội rủ nhau đi tắm nhờ

Cập nhật lúc: 21/08/2015, 11:18

Cầu mưa để có nước sinh hoạt, không thể nấu cơm, tắm giặt vì mất nước,....đó là thực trạng của người dân Hà Nội trong những ngày vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13.

Đã một tuần trôi qua sau khi sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13 xảy ra, người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân,… vẫn chật vật trong cảnh thiếu nước sạch.

Tắm nhờ hoặc về quê "lánh nạn"

Sau nhiều ngày nước giếng khoan “lên ngôi”, nhiều hộ gia đình tận dụng lại các mạch giếng ngầm cũ hoặc bỏ tiền giá cao để thuê thợ khoan giếng. Số khác bỏ tiền mua nước giá "cắt cổ" để ăn uống, nước sinh hoạt hạn chế sử dụng một cách tối đa. Điều này càng trở nên bất cập hơn khi rơi vào những ngày nắng nóng kéo dài nước không đủ cung cấp cho người dân.

Cũng trong thời điểm này sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ hè khiến cho nhu cầu về nước tăng cao. Không thể ngày nào cũng đem xô, chậu đi xin nước, một số sinh viên đã sống trong cảnh ăn cơm bụi, tắm nhờ, nhịn tắm hoặc tạm về quê để “lánh nạn”.

Bạn Trà My – sinh viên Đại học Luật trọ tại khu vực Láng Thượng (Đống Đa) than thở: “Mấy hôm nay mình không nấu được cơm ăn, toàn phải đi ăn quán tốn kém mà sinh viên đâu có nhiều tiền. Vệ sinh tắm giặt cũng phải đi nhờ nhà bạn bè nhiều cũng ngại lắm”.

Thậm chí chỉ nghe tin dự báo thời tiết Hà Nội sắp có mưa, sinh viên các xóm trọ sẵn sàng mang vật dụng ra tích nước nhưng cơn ngày hôm qua không thấm vào đâu.

Theo khảo sát, tại khu vực Cầu Giấy không còn tình trạng mất nước hoàn toàn nhưng lượng nước đưa về các hộ dân vẫn rất “nhỏ giọt”. Nhà nhà vận dụng máy bơm nước về tích trữ tại các bể lớn vì vẫn nơm nớp lo sợ mất thêm lần nữa.

Chị Linh quản lý khu sinh viên tại ngách 389/80, ngõ 28 Trần Thái Tông, Cầu Giấy quản lý khu trọ sinh viên cho biết: “Mình phải báo người thuê sử dụng tiết kiệm, mỗi ngày máy bơm chỉ hút về bể chưa được một ít nước thôi. Nhiều nhà có giếng khoan còn đỡ chứ nhà mình chỉ chờ cho giờ ít người dùng còn bơm nước về”.

Chị Linh dùng máy bơm hút nước tích vào bể chứa ngoài thời gian cao điểm. Ảnh: Ngân Chi.

Bạn Hoàng Chi (sinh viên Đại học Quốc gia) chia sẻ: “Nửa đêm đang ngủ nghe tiếng nước chảy về mình cũng phải bật dậy hứng nước luôn. Một ngày không biết bao nhiêu lần thấp thỏm chờ hứng nước”.

Sinh viên mang xô, chậu ra tiết kiệm nước sạch. Ảnh: Ngân Chi.

Khi nào người dân đủ nước sinh hoạt?

Thời gian đợi ngày có nước đầy đủ đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác nhưng chắc chắn tình trạng này sẽ còn diễn ra trong vài ngày tới và người dân Hà Nội phải tìm mọi "kế" lo cho thân mình.

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch sông Đà (Vinasupco) cho biết: Hiện, đường ống nước sạch sông Đà đang giải quyết khoảng 30% nhu cầu dùng nước sạch cho người dân Hà Nội. Sau sự cố vỡ đường ống hôm 13/8, nay đã cấp lại nước. Áp lực đo được ở điểm cuối ống tại vị trí vành đai 3 như bình thường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco lại cho hay, sau sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà vừa qua, đơn vị này đã nhận nước với áp lực giảm hơn so với bình thường.Nói về nguyên nhân nhiều khu dân cư vẫn chưa có nước sạch, ông Việt lý giải, do mất nước dài ngày, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến. Bên cạnh đó, các bể dự trữ của những hộ đầu nguồn đều dùng hết, cần phải có thời gian để đầy. 

Tại buổi họp báo liên quan đến đường ống nước sông Đà do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 19/8, bàn về giải pháp khắc phục, các cơ quan chức năng cũng chưa có giải pháp cụ thể mà chỉ khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm và dự trữ nước để đề phòng các sự cố.

Ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, từ nay đến ngày khởi công (tháng 10/2015) mà Công ty Viwasupco không có động tĩnh triển khai tuyến đường ống nước số 2 thì có ngay giải pháp dự phòng là để Công ty Nước sạch Hà Nội triển khai. Bên cạnh đó, ông Phong cũng yêu cầu 4 công ty cấp nước phải thiết lập ngay đường dây nóng để người dân báo sự cố mất nước./.