Dân điêu đứng với thực phẩm không an toàn đến bao giờ?
Cập nhật lúc: 09/04/2016, 13:10
Cập nhật lúc: 09/04/2016, 13:10
Trong sáng 8-4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho biết vừa có kết quả xét nghiệm mẫu dưa cải muối chua được lấy tại ba chợ trên địa bàn là chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa và chợ Hòa Khánh, kết quả có 7/7 mẫu dưa muối bị nhiễm chất cấm Auramine O, còn gọi là chất vàng ô.
Trước đó một tuần, đơn vị này cũng đã lấy mẫu măng tươi tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm ở Đà Nẵng và gửi đến Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) để kiểm tra chất vàng ô. Kết quả, 10/13 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô.
Đại diện ban quản lý chợ Đống Đa cho biết những ngày qua đã tăng cường lực lượng kiểm tra và nhắc nhở các tiểu thương nghiêm cấm buôn bán các mặt hàng có chất cấm.
Ngày 8-4, ghi nhận thực tế tại chợ Đống Đa, các tiểu thương đã không còn bày bán các loại măng tươi có màu vàng do ngâm hóa chất. Đa số măng bày bán giờ đã có màu trắng tự nhiên.
Theo chị T. - một tiểu thương ở hàng rau củ quả, măng tươi ở đây chủ yếu được nhập về từ chợ đầu mối nhưng từ sau khi có thông tin măng có chất cấm vàng ô thì các tiểu thương chợ Đống Đa không nhập loại măng này về nữa.
Người dân đi chợ cũng cảnh giác nên mặt hàng này bán khá ế ẩm. Trong khi đó, tại khu chuyên bán dưa cải muối, các tiểu thương cho biết họ tự làm dưa muối để bán chứ không dám nhập từ các chợ về sợ không đảm bảo chất lượng.
Tại chợ đầu mối Hòa Cường, tình hình tiêu thụ vô cùng ế ẩm, nhiều tiểu thương đã ngừng bán loại thức ăn này.
“Bột vàng bỏ vô măng ni tụi tui dùng từ lâu rồi vì măng có màu vàng mịn, để được lâu nên khách chuộng. Tui cũng không biết nó là chất cấm vì nhà tôi cũng sử dụng hằng ngày trong bữa ăn. Nay không dùng bột này nhưng tình hình tiêu thụ cũng không khả quan” - chị N.T.H., tiểu thương kinh doanh ngoài trời chợ Hòa Cường, nói.
Theo ông Nguyễn Tứ - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng, chất vàng ô nằm ngoài danh mục được sử dụng khi sơ chế thực phẩm.
Ông Tứ cũng cho hay vừa qua khi phát hiện vụ việc, các cơ sở kinh doanh đều cho biết họ tẩm hóa chất theo “phong trào”, vì mẫu măng tươi có màu vàng đẹp, trên thị trường được tiêu thụ mạnh, chứ không hề biết các hóa chất này gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người.
Theo ông Hà Công Tuấn - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chất vàng ô là hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp. Hóa chất này được phép kinh doanh và bày bán công khai trên thị trường.
Trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số nhà sản xuất sử dụng chất vàng ô này để trộn vào thức ăn tạo màu vàng óng rất đẹp, kích thích vật nuôi...
Tuy nhiên, vật nuôi ăn thức ăn có chứa chất này sẽ không đào thải được, gây tồn dư và vào cơ thể người qua đường thực phẩm. Tồn dư chất này sẽ dẫn tới việc giảm chức năng của nội tạng như thận, gan và đặc biệt là nguy cơ gây ung thư trên cơ thể người.
Đại diện Cảnh sát môi trường TP Đà Nẵng, cho hay chất vàng ô chỉ dùng trong công nghiệp nhuộm. Chất này có độc tính cao và được Tổ chức Ung thư thế giới xếp vào nhóm gây ung thư.
"Bộ Công an nghiêm cấm sử dụng vàng ô trong chăn nuôi, huống gì là dùng ướp thực phẩm ăn trực tiếp. Mặc dù chưa có hành lang pháp lý cụ thể, nhưng nếu phát hiện có người sử dụng vàng ô trong thực phẩm thì chúng ta phải lập hồ sơ, đình chỉ hoạt động lập tức", vị này dứt khoát.
Ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải có những chỉ đạo mang tính "xé rào" để xử lý nghiêm khắc những người bán thực phẩm có chứa chất cấm.
"Không thể vì cơ chế lỏng lẻo mà để người dân ngày ngày ăn phải những chất độc hại. Cơ quan chức năng nếu phát hiện cơ sở bán thực phẩm có chứa chất vàng ô là phải đóng cửa ngay. Khi chúng ta chứng minh được chủ cơ sở đó cố ý đưa chất cấm vào thực phẩm để bán cho người dân thì phải xử hình sự”, ông Chương kiến nghị.
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, gay gắt: "Mọi người đều thừa nhận chất vàng ô rất nguy hại, thậm chí gây ung thư mà không xử lý được là bất hợp lý. Bắt được tập thể, cá nhân nào vi phạm là xử phạt ngay và đóng cửa luôn chứ không có lý do gì phải chần chừ. Bán đồ ăn mà cho chất cầm vào thì quá nguy hiểm".
Ông chỉ đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp phát triển nông thôn và Công thương phải rà soát lại toàn bộ các văn bản về ATTP của Bộ, Ngành, Trung ương để lọc ra những văn bản phù hợp với thực tiễn địa phương.
"Điều này tránh tình trạng để văn bản “trói” mình trong việc thực thi quyền hành bảo vệ sức khỏe người dân", ông Dũng nói và yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng phương án ưu tiên tự sản xuất rau sạch và có giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn ở nơi khác vận chuyển đến Đà Nẵng tiêu thụ.
"Các cơ quan chức năng phải kiểm tra liên tục, đơn vị, cá nhân nào vi phạm thì công bố trên phương tiện truyền thông và đóng cửa nếu tái phạm", ông Dũng kết luận./.
06:00, 30/03/2016
16:08, 04/03/2016
19:03, 18/02/2016
16:21, 18/02/2016
19:26, 05/01/2016
07:02, 09/12/2015
06:30, 01/12/2015