19/01/2025 | 10:12 GMT+7, Hà Nội

Đảm bảo chương trình học và yêu cầu phòng dịch ngay từ những tuần đầu đi học

Cập nhật lúc: 17/05/2020, 15:26

Xác định công tác phòng dịch và đảm bảo chương trình học cho học sinh ngay từ những tuần đầu đi học lại sau dịch, nhiều trường đã có những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, toàn bộ học sinh bậc THCS và THPT ở Thủ đô chính thức đi học lại bắt đầu từ ngày 4-5 sau thời gian nghỉ tránh phòng, chống Covid-19. Một trong các nội dung được nhiều trường đẩy mạnh thực hiện khi đón học sinh trở lại trường là, vừa đảm bảo nguyên tắc phòng dịch trong tình hình mới, vừa dạy đúng phân phối chương trình theo hướng tinh giản mà Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn.

Học sinh lớp 9 trường THCS Chương Dương đang làm bài kiểm tra 45 phút môn Địa lý. Ảnh: Đình Tuệ.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, toàn trường có 886 học sinh ở 20 lớp thì có 203 em khối 9. Thực hiện công tác đón học sinh trở lại trường đã được hai tuần, trường vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng dịch tại trường học. Tất cả học sinh đến trường đều được thầy cô đo thân nhiệt tại cổng trường, các lớp đều được trang bị dung dịch sát khuẩn tay khô để các em sử dụng thường xuyên.

Tuần đầu tiên đi học lại, trường tiến hành chia lớp thành hai ca học, mỗi ca khoảng 20 em học trên lớp và kết hợp học trực tuyến. Sau khi có văn bản từ Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 7-5 về bỏ thực hiện giãn cách và không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, trường đã cho các em học tập trung trên lớp nhưng khuyến khích các em nên rửa tay thường xuyên để đảm bảo phòng dịch.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương. Ảnh: Đình Tuệ.

Cũng theo cô Hồng, trường THCS Chương Dương là một trong các đơn vị công lập dẫn đầu của quận khi sớm thực hiện việc dạy học trực tuyến tất cả các môn cho học sinh toàn trường, bắt đầu từ ngày 16-3. Dự kiến đến ngày 22 và 23-5 tới, trường sẽ tiến hành kiểm tra học kỳ 2 với các môn không thi vào lớp 10 (Lịch sử, Địa lý, GDCD, Thể dục...). Riêng học sinh khối 9, nhà trường sẽ tập trung đẩy mạnh ôn luyện cho các em 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ cuối tháng 5 đến 10-7. Việc đảm bảo chương trình học cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường bên cạnh yêu cầu phòng dịch. Do nghỉ học dài ngày ở nhà nên khi tới lớp, tâm trạng của đa số học sinh tỏ ra khá phấn chấn, vui mừng và tiếp thu bài tốt hơn so với học trực tuyến.

Tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngoài việc thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn tay ở cổng trường như quy định, trường cũng yêu cầu mỗi lớp sau khi tan học đều cắt cử khoảng 4-5 em ở lại cùng giáo viên tiến hành lau dọn, khử khuẩn vệ sinh bàn ghế, lớp học để cho ca sau vào học đảm bảo sạch sẽ. Cô giáo Phạm Thị Kiều Oanh, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, ngoài đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong giai đoạn mới, nhà trường cũng chú trọng đảm bảo chương trình cho học sinh, nhất là khối 12 để các em có đủ lượng kiến thức, sự tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Năm nay trường có 475 học sinh lớp 12, các thầy cô đang tập trung ôn tập theo kế hoạch học tập của từng lớp, từng môn.

Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông tập trung ôn luyện các kiến thức để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Đình Tuệ.

Năm 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội tiến hành thi thử trực tuyến cho các em khối 12 theo 3 đợt, mỗi đợt trong 3 ngày. Đợt 1 dự kiến thi vào các ngày 29, 30 và 31-5. Đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh sẽ dự kiểm tra 3 bài thi, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Tiếng Anh) và một môn tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Riêng với môn Ngữ văn và các môn Ngoại ngữ khác (tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật), các nhà trường chủ động giao nhiệm vụ cho giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra khảo sát đảm bảo khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.

Cô giáo Phạm Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông. Ảnh: Đình Tuệ.

"Đây sẽ là kỳ tập dượt quan trọng để các em làm quen với kỷ luật giờ giấc, có đủ tâm thái sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 8 tới đây. Kết quả của kỳ thi thử sẽ không tính vào điểm định kỳ của học sinh. Do 100% học sinh toàn trường đều tham gia học trực tuyến nên lượng kiến thức ở các môn cũng cơ bản theo đúng chương trình. Khi các em đi học lại trên trường, các thầy cô sẽ ôn lại các bài đã học và dạy các bài mới để học sinh nắm bắt được các kỹ năng cần thiết, nhất là những môn phục vụ thi tốt nghiệp THPT", cô Oanh cho biết thêm.

Còn tại trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tình hình dạy và học những tuần đầu tiên sau dịch diễn ra hết sức khẩn trương. Nhà trường vẫn duy trì công tác vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên trường lớp. Yêu cầu học sinh thường xuyên rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi tới lớp. Với 150 học sinh khối 9, nhà trường tiếp tục cho các em ôn luyện kỹ các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để đủ lượng kiến thức phục vụ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2020. Cô giáo Hoàng Ngọc Lan, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường sẽ căn cứ vào kế hoạch của Phòng GD&ĐT quận trong thời gian tới để quyết định có cho học sinh lớp 9 thi thử hay không. Trước mắt, cần ưu tiên dạy đúng và đủ chương trình cho học sinh theo hướng giảm tải mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó.