19/01/2025 | 11:51 GMT+7, Hà Nội

Đại hội cổ đông EVN Finance: Cổ đông thất vọng nặng nề về trách nhiệm của EVN và SBV

Cập nhật lúc: 28/04/2018, 10:49

Trước đại hội, một số cổ đông đã có đơn kêu cứu gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), đề nghị tạm hoãn đại hội cổ đông Công ty cổ phần tài chính điện lực (EVN Finance) do công tác chuẩn bị yếu kém, ẩn chứa nhiều khuất tất, sai phạm.

 

Cổ đông bị hớ vì chương trình làm việc: bầu trước, thảo luận sau

Ngay sau khi khai mạc đại hội, đến phần Báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông tham dự Đại hội, luật sư Trương Quốc Hòe trên cương vị vừa là luật sư vừa là đại diện quyền lợi một cổ đông đã giơ biển xin phát biểu với đầy bức xúc.

Được biết, trước đó ông Hòe đã có lá đơn kêu cứu dài tới hơn 10 trang gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, EVN và các cơ quan liên quan chỉ ra hàng loạt vấn đề bất ổn trong công tác tổ chức đại hội.

Tại Đại hội, ông Hòe tiếp tục yêu cầu chỉ ra việc HĐQT vi phạm Điều 27 Điều lệ công ty về triệu tập ĐHCĐ về việc gửi thông tin mời họp trước 20 ngày (chỉ gửi trước 13 ngày) và vi phạm quy định đăng tải nội dung đại hội cổ đông lên trên trang thông tin điện tử của Công ty, cố tính che giấu bế thông tin và ngăn cản việc tiếp cận thông tin của các cổ đông và nhà đầu tư đối với các hoạt động điều hành của HĐQT.

Đại hội cổ đông của EVN Finance diễn ra vào sáng 26/04

Đại hội cổ đông thường niên của EVN Finance diễn ra vào sáng ngày 26/04/2018

Đặc biệt, ông Hòe yêu cầu công khai vấn đề đại diện phần vốn minh bạch của các nhân sự được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT vì họ  không đại diện cho ý chí của đa số cổ đông mà chỉ đại diện cho 23.11% số cổ phần.

Đề nghị này khiến Đoàn chủ tịch “ngơ ngác” hồi lâu nhưng sau đó cũng không thực hiện đề nghị trên. Ông Hòe còn nhiều kiến nghị và phát biểu khác, đề nghị không chỉ Đoàn chủ tịch mà cả đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích nhưng Chủ tịch đại hội đã không cho phép phát biểu thêm để chuyển qua các nội dung khác.

Chương trình đại hội nhanh chóng được thông qua nhưng do tài liệu đến tận khi tới hội trường cổ đông mới được tiếp cận nên các cổ đông gần như chưa kịp đọc hết, vì vậy hầu hết cổ đông đã biểu quyết thông qua chương trình sau đó mới phát hiện ra mình bị “hớ”.

Ban tổ chức đã thiết kế chương trình làm việc khá “lạ lùng”: Đại hội sẽ bầu HĐQT, Ban Kiểm soát trước khi thảo luận.

Bức xúc, kêu cứu như “ném đá ao bèo”

Lúc này, nhiều cổ đông nhao nhao phản đối, gay gắt phê phán những hạn chế, yếu kém của công ty suốt 10 năm qua. Nhiều cổ đông đòi phải thảo luận, nêu rõ mạnh yếu của công ty và HĐQT cũ thì mới có cơ sở bầu cử ra ban lãnh đạo mới.

Nhiều cổ đông còn gay gắt: “Phải cho chúng tôi phát biểu”, “không thảo luận biết gì mà bầu”. Nhiều ý kiến thẳng thắn nêu suốt 10 năm, công ty sở hữu hàng nghìn tỷ đồng nhưng kinh doanh kém hiệu quả, trả cổ tức bèo bọt còn thấp hơn cả mang tiền gửi ngân hàng. Cổ đông nói đã ngán đến tận cổ và cần thay đổi một ban lãnh đạo mới với những nhân tố mới.

Thế nhưng, ông Hoàng Văn Ninh, Chủ tịch Đại hội đã cho rằng các cổ đông phải “tôn trọng tập thể”, thực hiện theo đúng chương trình làm việc đã được biểu quyết. Phát biểu sau này, ông Ninh còn cho rằng dù đã qua nhiều nhiệm kỳ làm tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT nhưng ông không tham quyền cố vị mà phải tham gia khóa tiếp vì được “tín nhiệm”.

Thế là mặc cho nhiều ý kiến tranh cãi như mổ trâu mổ bò, đại hội vẫn tiếp tục phần bầu cử với sự xuất hiện của các…chiến sĩ công an bên hòm phiếu.

Nhiều cổ đông rất bức xúc với cách làm việc của HĐQT EVN Finance

Nhiều cổ đông rất bức xúc với cách làm việc của HĐQT EVN Finance

Trong khi chờ kiểm phiếu, đại hội chuyển sang phần thảo luận với hàng loạt ý kiến bày tỏ sự bức xúc cả về công tác tổ chức đại hội, đại hội có hợp lệ, hợp pháp hay không khi đăng, gửi hồ sơ thông tin chậm tới 7 ngày so với quy định, thông tin đăng tải sơ sài, thiếu dữ liệu rất nhiều; việc đề cử HĐQT và ban điều hành không tuân thủ đúng thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước về tách bạch giữa quản trị và điều hành; về một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm khác cần làm rõ…

Bức xúc nhất có  lẽ là hàng loạt cổ đông là người lao động nghỉ hưu, nhiều người đến từ các vùng xa xôi, nét mặt hằn lên sự vất vả, lam lũ. Có người là cựu chiến binh đã phát  biểu bày tỏ nỗi xót xa khi suốt nhiều năm, cổ phần với cổ tức còm cõi không đáng là bao, nhìn tương lai cổ phần vẫn thấy vô cùng mờ mịt. Họ mong chờ một sự thay đổi, một ban lãnh đạo mới nhưng đến đại hội ngay cả việc họ muốn phát biểu, muốn thảo luận rõ ràng mọi chuyện trước khi bầu cử cũng bị ngăn chặn…

Thế nhưng, thật đáng tiếc, những câu hỏi và kiến nghị, thắc mắc gửi tới Ngân hàng Nhà nước lại không được đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời. Thay vào đó, ông Lê Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục 1 Ngân hàng Nhà nước dự đại hội chỉ có một bài phát biểu chung chung, sáo rỗng, nói về những thành tích vĩ mô mà không hề một dòng đề cập, giải đáp những bức xúc, vướng mắc do cổ đông kiến nghị.

Những ý kiến của các cổ đông đều bị lãnh đạo EVN Finance phớt lờ

Những ý kiến của các cổ đông đều bị lãnh đạo HĐQT EVN Finance phớt lờ

Tương tự, người đại diện của EVN cũng im lặng, vô cảm trước hàng loạt ý kiến kêu than, bức xúc của những cổ đông đã và đang làm việc tại EVN. Một số cổ đông đã bất bình vì phải chăng dưới thời ông các ông Dương Quang Thành, Đặng Hoàng An làm lãnh đạo, nguồn vốn Nhà nước tại các công ty tài chính cổ phần như thế này đã bị buông lỏng, kém hiệu quả, để rồi “chưa thoái vốn đã hết chuyện”, chỉ người lao động là phải bơi trong thua thiệt?

Chán chường với những phát biểu như đá ném ao bèo, các cổ đông đành ngậm ngùi nghe công bố kết quả bầu cử với tỷ lệ phiếu rất cao khi bầu HĐQT, BKS, số phiếu thấp nhất cũng trên 78%.

Nghi ngờ bỏ phiếu có sự ‘bất thường”

Vẫn liên quan đến việc bầu cử, một cổ đông cho biết, Ban tổ chức và điều hành của Đoàn Chủ tịch đã có dấu hiệu vi phạm khi “thiết kế” một chương trình làm việc vô lý, sai nguyên tắc. Theo Chương trình làm việc này, HĐQT trình bày tờ trình về phương án nhân sự HĐQT và BKS ở mục làm việc thứ tự thứ 7, việc bầu cử ở mục thứ 8 nhưng việc biểu quyết nội dung tờ trình phương án nhân sự HĐQT và BKS lại được thực hiện ở mục làm việc thứ 12, sau cả khi bầu cử.

“Bầu cử xong rồi mới đi thông qua phương án nhân sự thì rõ là vô lý. Theo tôi chỉ riêng chi tiết này cũng cho thấy phải hủy bỏ kết quả đại hội” – ý kiến cổ đông cho biết.

Sau phần công bố, một số cổ đông lớn đã bày tỏ sự bất bình, nghi ngờ có sự bất thường trong kết quả bầu cử vì cho rằng, nếu cộng số cổ phần họ biểu quyết, kết quả có thể sẽ khác. Có cổ đông cho biết có thể sẽ gửi đơn khiếu tố lên cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.

Từng có tiền lệ bị hủy đại hội chỉ vì quên gửi tài liệu cho cổ đông

Ngày 5/4/2013, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ kiện của một nhóm cổ đông của Công ty Cổ phần Phát triển kỹ thuật và đầu tư (ITD) thuộc Viện Máy và Công nghiệp (IMI) với đề nghị: hủy nghị quyết đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4/2012 và nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 12/5 của ITD.

Nguyên đơn là cổ đông đại diện cho nhóm cổ đông nhỏ lẻ (gần 10 người với tỷ lệ sở hữu hơn 1% vốn điều lệ của ITD) và bị đơn là ITD, đại diện theo pháp luật là ông Trương Hữu Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ITD, kiêm Chủ tịch IMI.

Căn cứ khởi kiện là sự việc ITD gửi thiếu tài liệu đại hội cổ đông năm 2012. Ngoại trừ giấy mời họp đại hội cổ đông, mẫu ủy quyền và chương trình họp đại hội cổ đông được gửi tới cổ đông thì công ty này không gửi các tài liệu bắt buộc liên quan khác sẽ được đưa ra thảo luận và biểu quyết tại đại hội cổ đông như: báo cáo hội đồng quản trị, báo cáo ban kiểm soát, báo cáo tài chính... 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đây là những tài liệu bắt buộc mà các doanh nghiệp cần phải gửi cho cổ đông khi tổ chức đại hội cổ đông. Đây cũng là lỗi mà nhiều công ty cổ phần hiện nay vẫn mắc phải. Bên cạnh đó, theo phản ánh của các cổ đông, công ty cũng mắc một số lỗi lặt vặt khác như: số vấn đề biểu quyết lớn hơn số vấn đề có trong chương trình họp gửi cho các cổ đông, công ty quên không bầu ban kiểm phiếu...

Kết quả,Tòa đã tuyên hủy nghị quyết đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4/2012 và nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 12/5/2012, buộc ITD phải tổ chức lại đại hội cổ đông thường niên. Sự việc là một bài học cho các  doanh nghiệp có ý định bắt nạt và coi thường các cổ đông nhỏ mà bỏ qua các trình tự và thủ tục tổ chức đại hội cổ đông.