18/01/2025 | 20:20 GMT+7, Hà Nội

Đại học không phải cánh cửa duy nhất vào đời

Cập nhật lúc: 09/08/2018, 15:21

Khi các trường đại học công bố điểm chuẩn tuyển sinh, không chỉ các sĩ tử hồi hộp, mà các bậc phụ huynh cũng đứng ngồi không yên.

Nuôi con em đèn sách 12 năm học phổ thông, ai chẳng muốn con em vào được giảng đường danh giá cho thoả công mình và nở mày nở mặt với bà con chòm xóm.
Tuy nhiên, chính sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh lại tạo áp lực nặng nề lên tâm lý con em, và càng khiến họ trở nên mất phương hướng trong quá trình chọn lựa một con đường tương lai.

Một nền giáo dục cạnh tranh, các trường đại học uy tín công bố điểm chuẩn trước để thu hút những thí sinh khá giỏi, còn các trường đại học có thương hiệu khiêm tốn đành công bố điểm chuẩn sau để vớt vát cho đủ số lượng sinh viên nhập học.

Dù không công khai thừa nhận giáo dục đại học như một ngành công nghiệp không khói, nhưng hàng loạt trường đại học liên tục mở ra suốt một thập niên qua đã trực tiếp làm suy giảm chất lượng cử nhân và kỹ sư được đào tạo chính quy.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao Động- Thương binh & Xã hội cho biết, tính đến đầu năm 2018 cả nước đã có khoảng 215 ngàn người có trình độ đại học và trên đại học đang thất nghiệp hoặc chấp nhận làm những công việc tạm bợ.

Ngược lại, khả năng tìm kiếm việc làm của nhóm người có trình độ sơ cấp nghề lại rất cao. Điều ấy chứng minh cuộc bùng nổ đại học các kiểu, đã tạo nên hệ luỵ “thừa thầy, thiếu thợ” đến mức đáng báo động!

Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng không giấu giếm một thực tế, chất lượng đại học của nước ta vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, và có khoảng cách tương đối xa đối với những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Nhập khẩu chương trình đào tạo đại học là một giải pháp đang được tính đến, nhưng chưa chắc giải quyết thoả mãn nhu cầu thị trường lao động thời hội nhập.

Tổ chức môi giới việc làm Jobstreet Việt Nam cung cấp một khảo sát gần đây, 90% người mới tốt nghiệp đại học không bằng lòng với chỗ làm mà họ may mắn có được, và 55% trong số này cho biết công việc hiện tại không mang lại hướng đi sự nghiệp rõ ràng.

Nghĩa là, tấm bằng đại học không hoàn toàn trợ giúp người sở hữu được phát huy sở trường bản thân và cống hiến cho xã hội!

Mỗi người có một thiên tính riêng, một phẩm chất và một lý do riêng để tồn tại trên cuộc đời. Do vậy, kiến thức trên giảng đường với người nọ là sự khao khát khám phá, nhưng với người kia là sự gắng gượng thu lượm.

Và không có cơ sở nào để phân biệt, người nghiên cứu trong phòng máy lạnh thì đóng góp cho cộng đồng lớn hơn người quai búa trên công trường nắng gió.

Đại học không phải cánh cửa duy nhất vào đời. Thay vì phải mất mấy năm ròng rã và tốn kém để mưu cầu một tấm bằng đại học mơ hồ về giá trị, thì các bậc phụ huynh hãy ủng hộ con em chọn lựa một trường dạy nghề thích hợp với năng lực mỗi người.

Cái áo không làm nên thầy tu, ưa chuộng bằng cấp một cách cưỡng ép chỉ chuốc lấy bi kịch ngậm ngùi mà thôi.