19/01/2025 | 01:40 GMT+7, Hà Nội

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào cuộc sống

Cập nhật lúc: 25/03/2020, 21:27

Đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới, đang làm đảo lộn vả ảnh hưởng rất lớn tới nhịp sống bình thường cũng như nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, song cũng chính trong lúc dịch bệnh hoành hành...

Đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới, đang làm đảo lộn vả ảnh hưởng rất lớn tới nhịp sống bình thường cũng như nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, song cũng chính trong lúc dịch bệnh hoành hành này đã thúc đẩy nhanh hơn những ứng dụng của sự phát triển công nghệ vào cuộc sống, dẫn tới những thay đổi sâu rộng hơn trong tương lai.

Chỉ sau thời gian ngắn Việt Nam đã thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất bộ Kit để phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19

Thay đổi để thích ứng và vượt lên hoàn cảnh đặc biệt chống dịch

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) bùng phát từ tâm dịch - thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) - hồi tháng 12-2019 đã lây lan ra hầu khắp thế giới. Tính tới ngày 24-3, tức chỉ khoảng hơn 3 tháng kể từ khi bùng phát, đại dịch Covid-19 đã lây lan ra hầu khắp hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mà mới nhất là Lào ngày 24-3 đã xác nhận có những ca mắc bệnh đầu tiên, khiến hơn 383.000 người nhiễm bệnh, trong đó hơn 16.500 người tử vong.

Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội cả thế giới, nhiều quốc gia đã cấm các chuyến bay quốc tế, cấm người nước ngoài nhập cảnh, phong tỏa và cách lý nghiêm ngặt nhiều thành phố, nhiều vùng rộng lớn… Cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động kinh tế bị tê liệt hoặc hoạt động cầm chừng, rất nhiều người bị mất việc làm.

Để hạn chế tối đa sự phát tán, lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) gây dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia đã khuyến cáo, khuyến khích người dân nếu không có việc gì thật cần thiết thì không nên ra khỏi nhà. Những khẩu hiệu như “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Đứng yên là yêu nước”, “Yêu nước là đứng yên”… xuất hiện và lan tỏa ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đóng cửa tất cả các trường học, từ mầm non tới đại học… Rất nhiều công ty, tổ chức, đơn vị đã yêu cầu nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà.

Những tác động, ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên đây không phải diễn ra trong một thời gian ngắn mà hiện chưa có bất kỳ tổ chức hay nhà chuyên môn nào có thể khẳng định được khi nào mới khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Chính vì thế, trên toàn thế giới cũng như mỗi quốc gia, đơn vị hay tổ chức… đã đặt ra vấn đề phải thay đổi để thích ứng và vượt lên hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.

Thách thức đi liền cơ hội cho ngành công nghệ, trước hết và cấp bách nhất lúc này là công nghệ sinh học, công nghệ y tế… để giúp “chiến đấu” trực diện với đại dịch Covid-19. Công ty đầu tư mạo hiểm Startup Health cho rằng những thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu cũng đồng thời là cơ hội cho các startup công nghệ y tế (medtech). Trong số hàng trăm công ty đang được dẫn dắt bởi Startup Health, có hơn 20 công ty đang hướng tới nhân rộng giải pháp công nghệ, từ cải tiến quy trình và công cụ y tế đến các ứng dụng giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế.

Trước yêu cầu cấp bách hàng đầu hiện này là nhanh chóng tìm ra vaccine ngừa cũng như các loại thuốc trị virus SARS-CoV-2, các startup y tế đang tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy nhanh hơn quá trình tìm ra phương thuốc đặc trị đối với bệnh Covid-19 này. Ví như Công ty Parallel Profile (bang Florida, Mỹ) đang hợp tác với các công ty công nghệ y tế khác nhằm khai thác cơ sở dữ liệu và các hồ sơ y tế điện tử (EMR) với mục đích là sớm tìm ra các loại thuốc có thể được lập tức tái sử dụng nhằm giúp bệnh nhân Covid-19 tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm phổi, làm chậm quá trình phát triển của virus và tăng cường trao đổi khí trong phổi.

Nhiều công nghệ mới ứng dụng “diệt” Covid-19

Trong bối cảnh mạng internet, thiết bị công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông, không dây… phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, nhiều công nghệ và phương thức mới đã nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống thời đại dịch Covid-19.

Trong khi các chính phủ đang phải hợp tác với chính quyền địa phương và những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để theo dõi, ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhiều startup cũng đã phân tích dữ liệu, AI và tùy biến chuyển tải thông tin truyền thông đại chúng. Công ty Curatio (ở Vancouver, Canada) đã xây dựng và cung cấp một nền tảng mạng xã hội về sức khỏe cho các tổ chức y tế, nhằm hỗ trợ bệnh nhân tự quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà trong khi vẫn được kết nối với các chuyên gia y tế, giảm số lần đến bệnh viện để hạn chế lây nhiễm chéo…

Nhiều ý tưởng về y tế từ xa đã có từ nhiều thập niên trước nhưng tiến độ áp dụng đại trà vẫn còn chậm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu y tế từ xa vốn trước đó chỉ là tính năng cộng thêm đã trở nên thiết yếu.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hóa mọi thứ lên môi trường số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dịch Covid-19 thúc giục chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn nữa vì nếu cứ bình thường, Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc như thanh toán không tiền mặt, tiền di động (mobile money), công nhận và cấp chứng chỉ học trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ cũ 2G, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng...

Trong khi đó, về công nghệ sinh học, Việt Nam cũng đã có những phát triển, thành tựu đáng ghi nhận để ứng phó với dịch Covid-19. Công nghệ sinh học nước ta đã ghi dấu ấn với việc phân lập virus SARS-CoV-2 với các chủng biến thể, thử nghiệm vaccine chữa Covid-19, kit thử SARS-CoV-2 của Việt Nam… Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa đóng góp với sự ra đời của robot khử khuẩn, robot lấy mẫu, khám bệnh, điều trị hay robot giao nhận hàng…

Thời gian tới, nhiều dự án, lĩnh vực khoa học và công nghệ tại nước ta cũng sẽ cho những thành quả khi được các tập đoàn lớn tài trợ những số tiền lớn với phương châm tất cả cùng chung tay trong việc giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ góp phần sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.