18/01/2025 | 20:13 GMT+7, Hà Nội

Ứng dụng công nghệ thông tin chống dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 10/03/2020, 21:08

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ra mắt Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối mạng lưới...

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ra mắt Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19, từ đó giúp các chuyên gia hàng đầu có thể hỗ trợ kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng mọi lúc, mọi nơi.

Chỉ đạo công tác chống dịch qua công nghệ 4.0

Vừa qua, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid-19 Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch đã chỉ đạo và điều hành công tác chống dịch Covid-19 đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Tại Trung tâm quản lý, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo Bộ Y tế trao đổi chuyên môn điều trị 9 bệnh nhân dương tính Covid-19 với bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết: Hiện tại Bệnh viện đang điều trị cho 9 bệnh nhân dương tính Covid-19, trong đó có 5 bệnh nhân ở Hà Nội, 4 bệnh nhân từ Quảng Ninh chuyển lên. Bệnh nhân trẻ tuổi nhất dương tính với Covid-19 là 27 tuổi, cao tuổi nhất là 74 tuổi, trong đó, có 2 bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Hiện sức khoẻ các bệnh nhân đều ổn định và không còn sốt.

Qua màn hình, Phó Thủ tướng đã biểu dương và động viên đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện đã nỗ lực hết mình chăm sóc, điều trị người bệnh. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bệnh viện theo dõi sát bệnh nhân, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (Bộ Y tế) đề nghị các cán bộ y tế tại Bệnh viện cần theo dõi sát tình hình người bệnh, lưu ý những bệnh nhân có những triệu chứng khác đi kèm. Các cán bộ y tế hướng dẫn người bệnh vận động, phục hồi chức năng, động viên bệnh nhân hợp tác, phối hợp điều trị để sớm khỏi bệnh và ra viện.

Cũng tại Trung tâm, PGS Vũ Nam - Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cũng báo cáo 1 trường hợp là điều dưỡng bệnh viện có chồng làm tại khách sạn do bệnh nhân số 17 làm quản lý. Ngay lập tức, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương đã thực hiện các biện pháp cách ly đối với điều dưỡng cùng gia đình. Qua xét nghiệm người chồng có kết quả âm tính…

Như vậy, với giải pháp y tế số 4.0 tại Trung tâm, giúp triển khai một hệ thống hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid – 19 xuyên suốt từ Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế tới các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, cách ly, điều trị người bệnh Covid-19.

Chuyên gia hàng đầu hỗ trợ tuyến dưới mọi lúc, mọi nơi

Trước đó, ngày 5/3, tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này có chức năng quản lý và điều hành các nguồn lực và hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong thu dung, cách ly, chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa qua công nghệ thông tin và viễn thông.

Bởi lẽ, theo Bộ Y tế, trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh Covid- 19, Việt Nam phải lường trước những tình huống bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, có nhiều bệnh nhân nặng. Từ trước tới nay, Ngành Y tế vẫn hỗ trợ y tế tuyến dưới qua hệ thống trực tuyến, qua điện thoại, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập. Vì thế, sự ra đời của Trung tâm này sẽ giúp hỗ trợ về chuyên môn với các tuyến, kể cả vùng sâu, xa. Kinh nghiệm của các giáo sư đầu ngành ngay từ tuyến Trung ương sẽ được áp dụng ngay cho tuyến cơ sở.

Trung tâm có khả năng kết nối đến 23 điểm cầu trọng điểm chống dịch và hơn 1.400 bệnh viện trên cả nước. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các chuyên gia tuyến trên ở bất cứ đâu có thể biết được tất cả diễn biến của bệnh nhân từ hô hấp, điện tim. Cụ thể, Trung tâm sẽ sử dụng phần mềm bệnh án điện Clas Healthcare cho toàn bộ các bệnh nhân nhiễm vi rút; phần mềm Pacs và phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ tất cả các cơ sở điều trị đến các trung tâm hỗ trợ và trung tâm chỉ huy.

Các phần mềm nêu trên sẽ tích hợp cùng với các thiết bị y tế hiện đại như máy thở Carescape R860 và máy theo dõi bệnh nhân Carescape B450… Từ đó sẽ hỗ trợ tuyến dưới làm sao chỉ định phù hợp về thở máy, truyền dịch. Ngoài ra, khi dịch xảy ra diện rộng, việc thiếu bác sĩ hồi sức sẽ là hiện hữu, vì thế Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai việc xây dựng và đưa Trung tâm đi vào hoạt động.

Cũng theo PGS Lương Ngọc Khuê, việc áp dụng công nghệ thông tin tại trung tâm này trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch, đồng thời giúp các bác sĩ tại cơ sở giảm sự tiếp xúc với bệnh nhân, giảm được nguy cơ phơi nhiễm.

Cũng theo PGS Lương Ngọc Khuê, việc áp dụng công nghệ thông tin tại trung tâm này trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch, đồng thời giúp các bác sĩ tại cơ sở giảm sự tiếp xúc với bệnh nhân, giảm được nguy cơ phơi nhiễm. Đây là bước đệm quan trọng trong việc thành lập các trung tâm chỉ huy của Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tập hợp các bệnh viện lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để các chuyên gia đầu ngành có thể hỗ trợ hội chẩn từ xa, tiên lượng, tư vấn giải pháp xử lý và điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19, hay ứng dụng để kiểm soát dịch bệnh trong tương lai cho các bác sĩ tuyến dưới khi cần.

"Một trong những vấn đề lây nhiễm dịch bệnh là thời gian tiếp xúc của người chăm sóc với người bệnh càng nhiều, tỉ lệ lây nhiễm càng tăng. Do đó nếu có phương tiện, hình thức chăm sóc vừa đảm bảo theo dõi bệnh nhân kịp thời, lại giúp hạn chế lây nhiễm giữa nhân viên y tế và bệnh nhân là rất cần thiết. Hệ thống này ra đời giải quyết vấn đề đó, giảm tiếp xúc của nhân viên y tế và bệnh nhân”- GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ y tế cho biết.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng thu dung chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19, từ đó hỗ trợ kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Trong trường hợp bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị người bệnh Covid-19, trung tâm điều hành sẽ thiết lập điểm cầu để bảo đảm việc giám sát, hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán điều trị người bệnh Covid-19 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên không cần thiết.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, ngay khi nhận định có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa Truyền Nhiễm, Hồi sức tích cực, Nhi khoa, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cận lâm sàng từ các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Học viện Quân Y, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh… để xây dựng một hệ thống tài liệu chuyên môn và trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới.

Đồng thời, với phương châm 4 tại chỗ, gồm: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, đã giúp Việt Nam hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho 16 ca bệnh Covid-19. Do đó, Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 được triển khai là hết sức cần thiết.