Cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt của các sàn thương mại điện tử
Cập nhật lúc: 30/11/2018, 20:21
Cập nhật lúc: 30/11/2018, 20:21
Báo cáo Tình hình phát triển thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 do Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus thực hiện đã chỉ ra những xu thế và điểm nổi bật của thị trường này trong năm qua.
Thị trường bán lẻ trực tuyến được đánh giá là đã có một năm phát triển sôi động. Doanh thu thương mại điện tử trong năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến, đến năm 2020 doanh thu sẽ đạt 10 tỷ USD.
Theo báo cáo, có khoảng 80% người được khảo sát đã tham gia mua sắm trực tuyến, trong đó 67% hài lòng với trải nghiệm mua sắm của mình.
Hoạt động mua sắm qua các ứng dụng trên điện thoại tăng lên nhanh chóng, từ 40% trong năm 2016 lên tới 72% trong năm 2018. Những ứng dụng mua sắm trên điện thoại đã mang lại cho người dùng trải nghiệm mua sắm đơn giản, thuận tiện.
3 điểm mà người mua sắm trực tuyến hài lòng với dịch vụ đó là: Hàng hóa đa dạng, giá cả và các chương trình khuyến mãi. 3 vấn đề còn tồn tại đối với các kênh mua sắm trực tuyến chính là: Chất lượng hàng hóa, chi phí vận chuyển và chất lượng chăm sóc khách hàng.
Rất nhiều các công ty thương mại điện tử đã ra đời và tham gia vào cuộc cạnh tranh thị phần, tuy nhiên, đến nay, bộ ba Shopee, Lazada và Tiki vẫn đang đứng top đầu và ra sức tranh giành người dùng, xác lập vị trí dẫn đầu.
Theo khảo sát, Shopee là trang thương mại điện tử được người dùng nhớ đến nhiều nhất khi mua sắm cho các hạng mục: Thời trang, làm đẹp và thực phẩm. Riêng lĩnh vực công nghệ/điện máy, dẫn đầu là Thế giới Di động, tiếp đến là Tiki.
Được rót vốn từ công ty mẹ, Shopee đã đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong năm 2018, vượt qua Lazada trở thành tên tuổi phổ biến nhất đối với người mua hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, với sự phát triển được cho là nóng thì chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm của Shoppee đã nhận được không ít những phàn nàn từ người dùng.
Theo đó, chỉ cần vài click là người bán có thể tạo tài khoản trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada... đồng thời, với chính sách "4 không": không mất phí, không cần giấy phép kinh doanh, không bị kiểm duyệt và không mất thời gian thì đây là một điều thuận lợi cho người bán nhưng lại là sự thả nổi về chất lượng.
Người bán hàng có thể tung hô chất lượng sản phẩm của mình lên tới mây xanh để thu hút khách hàng nhưng chất lượng thực hư ra sao thì chỉ người mua hàng phải chịu.
Hiện nay, 3 sàn thương mại điện tử này đang nhắm tới các tập khách hàng với những sự khác biệt nhất định.
Theo đó, Shopee có nhiều khách hàng nữ hơn khách nam, Lazada ngược lại khách hàng nam nhiều hơn khách hàng nữ còn Tiki thì khá cân bằng giữa hai nhóm. Shopee và Tiki có tập khách hàng trẻ trong khi tập khách hàng của Lazada hơi nhỉnh hơn một chút về độ tuổi.
Với độ “bao phủ” rộng khắp, mạng xã hội đã trở thành một kênh bán hàng và tiếp thị mới giúp doanh nghiệp tiếp cận và tương tác nhanh chóng với một số đông người dùng.
Báo cáo cho hay, trong năm 2018, tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt 70%, tăng nhẹ so với năm 2017. Trong số những người mua sắm qua mạng xã hội, 33% mua hàng qua cả Facebook và Zalo, 37% chỉ mua hàng qua Facebook.
Số người chỉ mua hàng qua Zalo khiêm tốn ở mức 2%. Ngay cả đối với những người mua hàng qua cả 2 mạng xã hội thì Facebook vẫn được dùng thường xuyên hơn (77% so với 5%).
Đáng chú ý, với sự phát triển và phổ biến của internet cũng như các thiết bị di động và mạng xã hội, ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Trong số hơn 1.000 người được hỏi có tới 25% đã từng hoặc đang bán hàng trực tuyến. Nghĩa là, cứ 10 người được hỏi thì lại có khoảng 3 người tham gia bán hàng trực tuyến.
Mặt hàng được các cá nhân bán phổ biến nhất là đồ thời trang (39%) (quần áo, phụ kiện, túi xách,...), mỹ phẩm (28%) và đồ ăn, thức uống (25%).
Facebook là trang bán hàng trực tuyến được các cá nhân sử dụng nhiều nhất với 66%, kế đến là Shopee với 49% và Lazada là 26%.
19:01, 29/11/2018
19:00, 22/11/2018
07:01, 21/11/2018
06:31, 11/11/2018