21/01/2025 | 14:28 GMT+7, Hà Nội

“Cuộc cách mạng trắng” gắn với một cái tên - Mai Kiều Liên

Cập nhật lúc: 08/05/2017, 20:36

Từ việc khí hậu Việt Nam không hợp với nuôi bò, bà Mai Kiều Liên đã quyết tâm làm một cuộc "cách mạng trắng" tại Việt Nam, để người già đến trẻ đều được biết đến hương vị sữa thơm ngon.

Điềm đạm, khiêm tốn, nhưng nói đến ngành sữa Việt, Tổng Giám đốc Cty CP sữa Việt Nam (VNM) Mai Kiều Liên không giấu niềm tự hào: “Sau 40 năm, chúng ta phát triển được ngành công nghiệp sữa.

Cho tới hôm nay, Vinamilk không thua kém gì ai về mức độ tự động hóa, mức độ đa dạng, đứng đầu ở thị trường trong nước, chiếm lĩnh vị trí số 1 ở hầu hết các ngành hàng.

Đến giờ, Vinamilk đứng chân được thị trường trong nước, phục vụ được 90 triệu dân bằng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, rồi lại còn xuất khẩu nữa… và lại càng tự hào khi Vinamilk là người xây nền móng đầu tiên cho ngành sữa Việt Nam”.

Tổng giám đốc Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk.

“Có ai nghĩ, Việt Nam có thể xuất khẩu được sữa…”

Gương mặt sáng, đôi mắt tinh anh, bà Mai Kiều Liên ngoài đời trẻ hơn nhiều so với hình dung của tôi. Nghe hỏi về chuyến ra Hà Nội hôm 17.4 gặp doanh nghiệp Sri Lanka, bà cười nhẹ: “À, trong đoàn của Thủ tướng Sri Lanka sang thăm chính thức Việt Nam có một DN muốn hợp tác với VNM sản xuất sữa tại Sri Lanka. Mấy tháng trước, khi phía bạn đặt vấn đề tiếp xúc gặp gỡ, chúng tôi đã tìm hiểu thị trường Sri Lanka”.

“Khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác - đầu tư, một DN thường nghĩ tới hai vế: Mình có thể làm gì có lợi cho họ, và hiển nhiên là làm gì để có lợi nhất cho chính mình! Tính đến lúc này, VNM được biết đến ở bao nhiêu thị trường nước ngoài?”, chúng tôi đặt câu hỏi. “Nguyên tắc của Vinamilk là phải phát triển bền vững thị trường trong nước và đưa hình ảnh Vinamilk vươn ra thế giới.

Về thị trường nước ngoài, đến nay, VNM đã xuất khẩu sản phẩm đi 43 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng rất cao; doanh số xuất khẩu năm 2016 là khoảng 250 triệu USD (5.700 tỉ đồng); có những thị trường VNM vào không được nhưng cũng có thị trường VNM đang hoạt động tốt.

Kế hoạch định hướng thị trường nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng doanh số. “Angkor Milk” - nhà máy sữa đầu tiên ở Campuchia là do VNM đầu tư với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, khánh thành vào tháng 5.2016. Chúng tôi góp vốn vào một nhà máy ở New Zealand sản xuất sữa xuất khẩu đi các nước.

Tại Mỹ, chúng tôi sở hữu 100% cổ phần ở một nhà máy sản xuất sữa 71 năm tuổi, chuyên sản xuất sữa học đường, nói chung ở thị trường Mỹ, thương hiệu VNM về sữa đặc có đường đã được biết đến 9 - 10 năm nay rồi. Từ trước tới giờ, có ai nghĩ, Việt Nam có thể xuất khẩu được sữa…”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.

“Cuộc cách mạng trắng”

Từ niềm tự hào “sữa Việt vươn ra thế giới”, câu chuyện giữa chúng tôi và bà Mai Kiều Liên bắt đầu quay trở về thị trường trong nước qua những hồi tưởng: “Ngoài Bắc, thời chiến tranh, chúng ta chỉ có Nông trường Mộc Châu với đàn bò do Cuba viện trợ, sản phẩm chủ yếu là bánh sữa. Bạn nhớ không, sữa đặc có đường của Mộc Châu thời đó đóng thủ công vào hộp, để lâu, lớp đường lắng xuống. Ở miền Nam, cụ thể là ở Sài Gòn, có Nhà máy sữa Trường Thọ của tư nhân người Hoa thành lập 1972, và Nhà máy Foremost hoạt động đầu những năm 60 chủ yếu phục vụ quân đội Mỹ, nguyên liệu hoàn toàn ngoại nhập.

Đầu năm 70, tôi được Nhà nước cử sang Nga học, tại Mátxcơva và được phân công học ngành chế biến sữa. Tháng 8.1976, sau khi tốt nghiệp về nước tôi vào Sài Gòn, làm việc ở VNM (tiền thân là Cty sữa, café miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp thực phẩm miền Nam).

1975 - 1986 là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn của đất nước. Nhưng ngay từ lúc đó, Vinamilk đã có định hướng rõ ràng - phải thay thế nguyên liệu nhập khẩu, nghĩa là phải phát triển đàn bò trong nước.

Mãi tới 5 năm sau, năm 1991, chúng tôi mới bắt đầu cụ thể hóa việc chủ động nguyên liệu sản xuất bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa. Thế là một “cuộc cách mạng sữa” mà chúng tôi gọi là “Cuộc cách mạng trắng” ra đời.

Lúc đó, chúng ta thực hiện được “Cuộc cách mạng xanh” rồi - từ một nước đói ăn, nhập khẩu lương thực, thực phẩm, chúng ta đã xuất khẩu được gạo. Thực hiện “Cuộc cách mạng trắng” thì khó khăn hơn, bởi trước hết chăn nuôi bò sữa không phải là thế mạnh truyền thống của nước mình, nông dân không có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, hơn nữa, khí hậu Việt Nam không phải là nơi thích hợp chăn nuôi bò sữa (cần mát, độ ẩm thấp). Từ từ, chúng tôi hợp tác với nông dân, nhập máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Tới 2005, chúng tôi bắt đầu xây dựng trang trại của riêng mình, đầu tiên là ở Nghệ An, đến bây giờ, chúng tôi đã có 10 trang trại trải dài khắp cả nước, đàn bò của VNM sắp đạt tới hơn 40.000 con có năng xuất sữa không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Chúng tôi rất tự tin vì có công nghệ riêng, đặc thù cho vùng nóng ẩm như xứ mình để chăn nuôi nuôi bò sữa đạt chất lượng, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế góp phần giảm giá thành sản phẩm. Sắp tới, Vinamilk sẽ có những trang trại tự động hoàn toàn và có cả robot vắt sữa.

Bây giờ chúng tôi đã thay thế nguyên liệu nhập là hơn 30%, từ từ sẽ tăng lên 40, 50%, tỉ lệ này so với các nước trong khu vực như Thái Lan họ mới thay thế nguyên liệu nhập khẩu được hơn 40% thôi”.

Vì một chữ “thật”

“Khi nói chuyện thực phẩm, đồ ăn nói chung, tôi hay nghĩ tới một từ: “Thật”. Để tới được mức “thật nhất”, người làm phải phấn đấu rất dữ, nhưng có nhiều khi làm là vì niềm kiêu hãnh cá nhân, kể cả tự ái nghề nghiệp nữa?” - nghe câu hỏi này của chúng tôi, bà Mai Kiều Liên mỉm cười, và… phản ứng luôn: “Làm không phải vì tự ái, sĩ diện nào đó đâu.

Cái này gọi đúng tên đó là đạo đức làm nghề, đạo đức kinh doanh. Nói nôm na, dân gian, mình có làm hàng ăn thì trước hết là mình, người thân của mình phải ăn được, thấy yên tâm. Nguyên tắc sơ đẳng, cơ bản nhất: Nếu muốn tồn tại, thì phải đảm bảo chất lượng. Và phải là chất lượng quốc tế.

Nhìn vào tổng thể chung của ngành sữa Việt, tôi nghĩ, cạnh tranh hiện rất mạnh. Và ngành sữa Việt đang cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn đa quốc gia về chất lượng.

Mỗi một giai đoạn phát triển có những đặc thù, khó khăn khác nhau, mình phải tìm ra những cách giải quyết khác nhau. Không vượt được, hoặc không khắc phục được khó khăn ở một thời điểm nào đó, là chững lại, không bước tiếp được. Cả quãng đường 41 năm qua, cụ thể là suốt 30 năm đổi mới, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, Vinamilk đã phấn đấu, nỗ lực không ngừng vì người tiêu dùng Việt Nam”.

Muốn có kiến thức thì phải học

Để có được khả năng chớp cơ hội trên thương trường, một lãnh đạo là nữ thường gặp phải những khó khăn gì hơn so với một lãnh đạo là nam?

- Nghĩ chậm, tính kỹ, nhạy bén ở một nhà lãnh đạo là đàn ông hay đàn bà, theo tôi đều như nhau cả. Đã là lãnh đạo thì phải là người biết lo xa, có tầm nhìn ít nhất 5 - 10 năm. Và phải có kiến thức. Mình phải có kiến thức mới thuyết phục được mọi người tại sao mình quyết định như vậy để mọi người đồng lòng cùng mình thực hiện. Có kiến thức thì mới phân tích được tình hình, nhạy bén chớp thời cơ. Mà muốn có kiến thức, thì đơn giản lắm, chỉ cần phải học hỏi thật nhiều thôi.

Quản trị, kỹ thuật, công nghệ,… - vấn đề nào với ngành sữa Việt, hiện, theo chị là đáng lo nhất?

- Hiện ngành sữa Việt, kỹ thuật là vấn đề không nặng lắm, kỹ thuật, công nghệ có thể mua. VNM luôn đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Không thể có sản phẩm tốt nhất, nếu không có công nghệ tốt nhất. Song, quản trị mới là điều đáng quan tâm nhất. Trong cạnh tranh, nếu ai đó muốn thắng thì phải quản trị tốt. VNM được như hôm nay là do có được một tập thể có tri thức và đồng thuận, đồng lòng. Tiếp đó là vấn đề tài chính. Tôi là người rất cẩn trọng trong vấn đề tài chính, có 10 đồng thì chỉ dám vay 3 đồng thôi. Có nghĩa chậm nhưng chắc.