24/11/2024 | 09:17 GMT+7, Hà Nội

Cửa hàng tạp hóa mất vị thế, mua hàng online chiếm "sóng"

Cập nhật lúc: 02/11/2018, 07:01

Theo kết quả khảo sát của Kantar World Panel, thị trường hàng tiêu dùng nhanh đã có những chuyển biến tích cực trong quý III/2018, đặc biệt là tại khu vực nông thôn với sự tăng trưởng về khối lượng tiêu dùng và mức độ phát triển chóng mặt của mua hàng qua mạng tại khu vực thành thị.

Ngành hàng tiêu dùng chuyển biến tích cực

Về tình hình kinh tế chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá là ổn định, tăng trưởng GDP có khả năng vượt chỉ tiêu 6,7% trong năm 2018. Bên cạnh đó, chỉ số CPI vẫn bình ổn ở mức dưới 4% và nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) qua đó cũng đã có những chuyển biến tích cực trong quý III, đặc biệt là ở khu vực nông thôn với sự tăng trưởng về khối lượng tiêu dùng.

Đáng chú ý, đang có hai bức tranh tăng trưởng khác nhau tại khu vực thành thị (4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ) và nông thôn.

Bức tranh tăng trưởng thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam trong quý III/2018. (Nguồn: Kantar World Panel)

Bức tranh tăng trưởng thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam trong quý III/2018. (Nguồn: Kantar World Panel)

Theo đó, tại thành thị, các ngành hàng có chuyển biến tích cực về mặt giá trị nhưng lại tăng trưởng không đáng kể về khối lượng tiêu thụ, thậm chí mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa lại có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, thị trường nông thôn lại tăng trưởng tốt với sự gia tăng về khối lượng tiêu thụ sữa và ngành hàng chăm sóc cá nhân.

Điểm nổi bật trong báo cáo lần này của Kantar World Panel là sự tăng trưởng của nhóm sản phẩm Nước Mắm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Theo đó, các sản phẩm nước mắm đã có mức tăng trưởng tốt tại khu vực thành thị, đồng thời duy trì mức tăng trưởng tích cực tại nông thôn nhờ làn sóng “cao cấp hóa” của người tiêu dùng.

Với việc ra mắt nhiều sản phẩm mới cao cấp, thị trường nước mắm đang dần mở rộng phân khúc khách hàng  và tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn, giúp thúc đẩy tăng trưởng chung cho cả ngành hàng tại khu vực thành thị và nông thôn.

Nhóm sản phẩm nước mắm có sự tăng trưởng tốt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. (Nguồn: Kantar World Panel)

Nhóm sản phẩm nước mắm có sự tăng trưởng tốt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. (Nguồn: Kantar World Panel)

Mua sắm online đang gia tăng chóng mặt

Quý III vừa qua, tại khu vực thành thị, bán lẻ hiện đại tiếp tục tăng tốc và chiếm ưu thế so với bán lẻ truyền thống. Trong đó, các kênh mua sắm hiện đại và cả kênh trực tuyến đều gia tăng thị phần nhờ việc thu hút nhanh chóng người mua mới của kênh siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi và mua sắm online.

Theo kết quả khảo sát, đến nay, ở khu vực thành thị, hơn một nửa số hộ gia đình có mua sắm tại siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi ít nhất một lần một năm và khoảng ¼ số hộ gia đình có mua sắm các sản phẩm FMCG qua mạng để sử dụng tại nhà.

Về mức độ tăng trưởng giá trị, nhóm Cửa hàng bách hóa, tiệm tạp hóa nhỏ và chợ truyền thống đã có mức tăng trưởng âm trong quý III. Nhóm Cửa hàng chuyển doanh, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và online tăng trưởng dương với mức tăng cao.

Trong đó, mua hàng online có mức độ tăng trưởng cao vượt bậc với giá trị tăng trưởng lên tới 176%. Siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi tăng trưởng 47% về giá trị, cửa hàng chuyển doanh có mức tăng trưởng thấp hơn với 19%.

Có thể thấy, các tiệm tạp hóa nhỏ đang mất dần vị trí trong lòng khách hàng với giá trị giảm sâu nhất trong nhóm: 7%. Cửa hàng bách hóa cũng không còn nhiều sức hút và kém sức cạnh tranh so với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn, mức tăng trưởng giá trị giảm 3%. Chợ truyền thống dù vẫn được lựa chọn nhưng người mua đang dần thể hiện sự nhàm chán với loại hình này, thể hiện qua giá trị tăng trưởng -1%.