29/04/2024 | 08:01 GMT+7, Hà Nội

Người Việt chuộng trà hơn cà phê, Nuticafé liệu có chinh phục được khách hàng?

Cập nhật lúc: 26/10/2018, 19:00

Khảo sát mới đây do Kantar World Panel thực hiện cho hay, tại TP.HCM, đồ uống từ trà phổ biến hơn với một nửa dân số trong khi cà phê chỉ thông dụng với khoảng 1/3 dân số. Đặc biệt, người tiêu dùng tại đây sẵn sàng trả giá cao hơn gấp 1,5 - 2 lần cho các loại trà cao cấp so với những loại khác.

Giới trẻ chuộng các thức uống từ trà

Theo khảo sát của Kantar World Panel, với mức thu nhập và mức sống ngày càng cao của dân số với đa phần là thế hệ Millennials (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000), TP.HCM đang chứng kiến chuỗi các cửa hàng trà và cà phê mọc lên như nấm. Tuy nhiên, song song với đó thì cũng có những cửa hàng phải đóng cửa mỗi ngày. Từ các thương hiệu lớn của quốc tế đến khu vực và các chuỗi cửa hàng cà phê trong nước, cà phê khởi nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ đều... có mặt trong chuỗi "sinh - tử" này.

Điều này không chỉ mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sự cạnh tranh giữa các thương hiệu.

Những cái tên nổi lên là Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf từ Mỹ, các chuỗi trà từ Đài Loan như Gong Cha, Koi Thé, The Alley... và các đại diện trong nước như The Coffee House, Highlands, Trung Nguyên cùng vô số các cửa hàng nhỏ lẻ khác.

Để cạnh tranh và đứng vững trong thị trường hiện tại, các thương hiệu đã xác định cho mình những đối tượng khách hàng nhất định. Theo đó, một số hướng đến thế hệ trẻ trong khi số khác lại tập trung vào người tiêu dùng ở độ tuổi trung niên. Một số cửa hàng chỉ bán sản phẩm mang đi (take away), một số khác lại cung cấp cho người dùng địa điểm thoải mái để ghé lại với không gian rộng và đầy đủ các tiện nghi công cộng.

Nhóm nghiên cứu cho hay, người tiêu dùng Việt thường đến các quán trà và cà phê với mục đích khác nhau. Theo đó, nhóm thanh thiếu niên và sinh viên (thế hệ Z) tới để gặp gỡ bạn bè hoặc học tập, nhóm Millennials và các nhóm lớn tuổi có xu hướng dành thời gian ở đó với gia đình, làm việc hoặc thậm chí có các cuộc họp.

Theo Kantar, thế hệ trẻ và đặc biệt là Millennials - những người dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài sẽ là nhóm mục tiêu chính để định hình xu hướng uống trà và cà phê trong tương lai cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của tiêu dùng bên ngoài.

Một điều đáng ngạc nhiên là tại TP.HCM, mức tiêu thụ trà bao gồm các sản phẩm uống liền và các sản phẩm pha chế tại quán cao gần gấp đôi so với cà phê. Theo đó, đồ uống từ trà phổ biến hơn với một nửa dân số TP, trong khi cà phê chỉ thông dụng với khoảng 1/3 dân số và người tiêu dùng tại đây sẵn sàng trả giá cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần cho các loại trà cao cấp so với lựa chọn trà khác.

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến cho các cửa hàng nhượng quyền bùng nổ từ các góc phố đến trung tâm mua sắm của TP trong những năm gần đây.

15% người tiêu dùng tại TPHCM chọn cà phê

Chỉ có 15% người tiêu dùng tại TPHCM chọn cà phê, 26% chọn trà và 59% chọn các thức uống khác.

Cà phê truyền thống: Kén chọn khách hàng 

Dù Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng cà phê lại “kém hấp dẫn” người tiêu dùng TP.HCM so với các thức uống từ trà. Tuy nhiên, thức uống này vẫn thu hút một nhóm khách hàng đặc biệt, đó là những "tín đồ" của cà phê.

Cũng theo khảo sát của Kantar World Panel, cà phê đen truyền thống và cà phê sữa là một trong những lựa chọn phổ biến. Với sự góp mặt của các thức uống từ phương Tây như cappuccino, mocha và đá xay thì thị trường cà phê hiện tại cũng đang có nhiều sự lựa chọn hơn.

Xét về những nơi mà người tiêu dùng TP.HCM thường đến để uống cà phê, 3 cái tên đã chinh phục phần lớn người tiêu dùng là The Coffee House, Phúc Long và Highlands. Một điều thú vị là tại đây, thức uống cà phê chỉ chiếm một nửa chi tiêu của thực khách, trong khi các loại đồ uống khác như trà, nước ép trái cây và nước giải khát lại chiếm một nửa còn lại.

Vậy để thấy, dù tại các quán cà phê thì thức uống từ trà hay những món đồ giải khát khác vẫn không thể thiếu.

Liệu Nuticafé có thực hiện được tham vọng của mình?

Nhìn lại thị trường cà phê Việt từ đầu năm tới nay, đã liên tiếp có sự góp mặt của những tên tuổi tuy không mới nhưng đầy bất ngờ khi họ lấn sân sang thị trường cà phê đầy khốc liệt, đó là sản phẩm cà phê sữa đá tươi của Nutifood, cà phê tươi sấy của Vinamit và cà phê sữa uống Georgia Coffee Max của Coca-Cola... tất cả đều hứa hẹn mang trong mình sự khác biệt và đặc trưng.

Tuy nhiên, trước những cạnh tranh gay gắt của các ông lớn đã có mặt trên thị trường hiện tại cùng sự kén chọn khách hàng của sản phẩm và mức độ "kém ưa chuộng" của người tiêu dùng với cà phê thì liệu chăng Nuticafé hay cà phê tươi Vinamit, Georgia Coffee Max sẽ đạt được giấc mơ chinh phục người dùng Việt của mình?

Đặc biệt là với Nuticafé - "đứa con" tâm huyết của Nutifood với nhãn Cà phê sữa đá tươi cùng “Tham vọng của Nutifood là muốn bạn bè trên thế giới khi nhắc đến Việt Nam, ngoài phở, áo dài, Vovinam còn có cà phê sữa đá”.

Dòng sản phẩm cà phê sữa đá được người tiêu dùng Việt nói chung và người dùng tại TP.HCM nói riêng rất ưa chuộng bởi sự tiện dụng và hương vị khác biệt. Có lẽ bởi vậy mà Nutifood đã chọn cho mình bước đi đầy mạo hiểm cùng Nuticafé sữa đá tươi.

Nhưng khảo sát của Kantar World Panel đã phần nào nói lên sự khó khăn của thị trường cà phê Việt trên con đường chinh phục khách hàng, không chỉ "yếu thế" so với các sản phẩm từ trà, cà phê hòa tan lại đang mất điểm với người dùng bởi những sản phẩm kém chất lượng, pha trộn, chất lượng khác xa quảng cáo...

Thêm vào đó, cái tên Cà phê sữa đá TƯƠI của Nuticafé lại đang khiến khách hàng hoang mang về chất lượng thực sự, vào độ "tươi" của một sản phẩm hòa tan.

Với những khó khăn ấy, liệu chăng những tên tuổi mới như Nuticafé sẽ chinh phục được phần trăm khách hàng ít ỏi và gây dựng lại được niềm tin của người dùng cũng như mang sản phẩm của mình ra thế giới như giấc mơ mà người đứng đầu đã vẽ ra?