An toàn thực phẩm là mối lo ngại hàng đầu của người Việt khi mua thực phẩm
Không chỉ nghiên cứu của riêng Q&ME mà các Báo cáo về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Nielsen Việt Nam thực hiện cũng đã chỉ ra rằng, sức khỏe là vấn đề mà người Việt đang quan tâm hàng đầu, tiếp đó mới đến các chi phí sinh hoạt, phúc lợi cá nhân, hoạt động kinh tế, giáo dục...
Ngày càng nhiều người Việt lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm và điều này dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao đối với các mặt hàng thực phẩm có chất lượng cao.
Để đáp ứng nhu cầu đó, các sản phẩm mang nhãn hữu cơ, sạch, tự nhiên ra đời. Đứng đầu danh sách tìm kiếm chính là các sản phẩm hữu cơ như rau hữu cơ, thịt hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, nước rửa chén bát hữu cơ...
Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù có nhiều tiêu chuẩn hữu cơ khác nhau trên thế giới nhưng Nông nghiệp hữu cơ nói chung đều hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Các loại thực phẩm hữu cơ thường được nuôi trồng trong môi trường tự nhiên, không sử dụng phân bón, thức ăn có chứa chất hóa học, không phun thuốc diệt cỏ, không sử dụng sản phẩm biến đổi gen... |
Theo kết quả khảo sát của Q&Me, có tới 80% số người được hỏi biết đến thực phẩm hữu cơ và 70% có quan tâm tới sản phẩm hữu cơ. Những người biết và quan tâm đến sản phẩm hữu cơ bao gồm những người có thu nhập 20 triệu đồng trở lên, những người ở độ tuổi từ 31-39 tuổi và những người đã có con.
Hình ảnh phổ biến của thực phẩm hữu cơ với người tiêu dùng là: Sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, tươi mới, không có chất bảo quản.
Trả lời cho câu hỏi các kênh bán hàng mà người dùng lựa chọn để mua thực phẩm hữu cơ thì 73% khách hàng chọn siêu thị lớn, 46% lựa chọn chợ truyền thống, tiếp đến là các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng của các thương hiệu lớn.
Đáng chú ý, các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hiện đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng bởi người dùng hy vọng sẽ mua được sản phẩm thực sự sạch, thực sự an toàn và chất lượng từ đó.
Tần suất người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ đang ở mức trung bình với 39% sử dụng nhiều hơn 1 lần/tuần. Tuy nhiên, vẫn có tới 51% người được hỏi không sử dụng thực phẩm hữu cơ.
Vậy để thấy dù quan tâm tới sức khỏe và biết đến nhóm sản phẩm, thực phẩm hữu cơ nhưng vẫn chưa có nhiều người dùng Việt tiếp cận và sử dụng thực phẩm hữu cơ như một loại sản phẩm thông thường.
Giá cả đang là rào cản lớn
Con số thống kê cho hay, những người thường xuyên mua sản phẩm hữu cơ là những người thu nhập tầm trung hoặc cao và ở TP.HCM với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên.
Một trong những nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm hữu cơ chính là giá cả. Theo Q&Me, giá cả là "rào cản" lớn nhất của sản phẩm hữu cơ đối với người tiêu dùng. Cụ thể, có tới 90% số người được hỏi mong muốn giá thực phẩm hữu cơ chỉ cao hơn thực phẩm thông thường từ 20% trở xuống.
Tuy nhiên, trên thực tế thì sự chênh lệch này đang khá lớn. 1 mớ rau tại chợ truyền thống có giá 5.000 đồng thì rau tại các cửa hàng thực phẩm hữu cơ có giá từ 10-15.000 đồng, các loại củ như cà rốt, củ cải, khoai... tại chợ truyền thống chỉ 10-15.000 đồng/kg nhưng cà rốt hữu cơ, khoai hữu cơ có giá từ 25-30, 40.000 đồng/kg - cao hơn từ 2 đến 3 lần so với thực phẩm thông thường.
Sự chênh lệch lại càng rõ ràng hơn ở nhóm sản phẩm thịt, thịt lợn hữu cơ và nhiều loại thịt được nuôi với các phương pháp đặc biệt hơn có giá lên tới 180-250.000 đồng/kg trong khi thịt lợn tại chợ truyền thống chỉ dao động từ 80-100.000 đồng/kg.
Bởi vậy mà đã có chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu chăng thực phẩm hữu cơ chỉ dành cho người giàu?
Thực phẩm hữu cơ được quan tâm và là nhu cầu chung của người tiêu dùng nhưng quãng đường đến với số đông người Việt đang còn quá xa và gặp nhiều trở ngại...