Cốt lõi của du lịch là chất lượng dịch vụ
Cập nhật lúc: 04/02/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 04/02/2020, 07:20
Làm du lịch giỏi sẽ không đề cập tới chuyện khách chi tiêu nhiều hay ít mà phải mong khách hứng thú với những gì chúng ta có và gửi tới họ.
PV: Nhìn lại năm 2019, ông có đánh giá như thế nào về du lịch Việt Nam nói chung và dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng trong năm nay?
TS. Hà Văn Siêu: Du lịch Việt Nam hiện nay đang tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16%); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).ách nội địa tăng trưởng cũng không kém.
Ngành du lịch tăng trưởng đã tạo ra nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thương mại, vui chơi giải trí…, rất nhiều khu nghỉ dưỡng, điểm đến mới được ra đời… Mới đây, ngành du lịch còn hình thành những cụm dịch vụ complex. Đây là xu hướng du lịch mới và được dự báo phát triển mạnh trong tương lai.
Những năm qua, cùng với chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam là một điểm đến năng động và sôi động cả về cuộc sống lẫn đầu tư. Điều này sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và kết nối với thế giới thuận tiện, nhiều chiều hơn.
Mặt khác, chúng ta thấy rõ các nhà đầu tư của Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, đặc biệt là khu vực tư nhân. Các tổ hợp dịch vụ cũng do tập đoàn tư nhân làm chủ như Sungroup, Vingroup, FLC... đang không ngừng vươn tầm thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đã vào Việt Nam liên doanh, đầu tư và phát triển.
Điều này sẽ tạo thuận lợi cho ngành du lịch ngày càng phát triển về cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mới giúp Việt Nam kết nối với thế giới nhanh hơn, thuận tiện hợi. Ngược lại, thế giới có cơ hội tiếp cận Việt Nam gần hơn.
Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ tạo cơ hội tiếp thị trực tuyến, bán trực tuyến, du lịch trực tuyến... Cụ thể như các kênh du lịch nổi tiếng: Booking.com, Agoda… Ngoài ra, trong nước cũng có rất nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp với lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Rõ ràng, các triển vọng về tài nguyên tự nhiên, văn hóa, cơ hội hội nhập cũng như chính sách của Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các lĩnh vực… phát triển sẽ giúp du lịch tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
PV: Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy theo Phó Tổng cục trưởng, du lịch Việt Nam đang gặp phải những thách thức và hạn chế nào?
TS. Hà Văn Siêu: Ngoài những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng phải nhìn nhận những thách thức và hạn chế. Đây luôn là bài toán khó nhưng lại cần phải được giải quyết.
Thứ nhất là yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường, song song với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển những di sản ở những vùng được coi là cái nôi của giá trị văn hóa.
Thứ hai là yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Đây là vấn đề cốt lõi của du lịch. Thách thức này đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn tạo ra thương hiệu du lịch Việt Nam có giá trị cao thì mới cạnh tranh được với khu vực và thế giới.
Thứ ba là các vấn đề về kết nối. Ngành du lịch cần có sự liên kết giữa Trung ương – địa phương, địa phương – doanh nghiệp, đối tác, liên ngành,… giúp du lịch Việt Nam phát triển hiệu quả, thông minh nhất. Từ trước tới nay, đây vẫn là một điểm yếu trong du lịch. Chúng ta vẫn hoạt động mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết phối hợp. Hay nói cách khác, các đơn vị làm dịch vụ du lịch vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”; từ đó, khiến cho việc xây dựng những sản phẩm thương hiệu dịch vụ chất lượng cao gặp không ít khó khăn.
Đó là những thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Nếu chỉ quan tâm tăng trưởng về lượng thì chưa đủ mà phải tạo ra một chiến lược du lịch làm sao đáp ứng được xu hướng của thời đại, với mong đợi, sự hài lòng của khách về một kỳ nghỉ, trải nghiệm du lịch hấp dẫn, độc đáo, ấn tượng. Có như vậy, du lịch Việt Nam mới trở thành điểm đến ưa thích.
PV: Vậy theo ông, ngành du lịch cần phải làm gì để đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
TS. Hà Văn Siêu: Trong 60 năm qua, ngành du lịch luôn cố gắng để khiến du khách hài lòng nhất. Nhưng chúng ta phải hiểu chúng ta có cái gì. Chúng ta luôn tự hào có rừng vàng, biển bạc nhưng cái gì cũng mờ mờ, ảo ảo, qua loa, đại khái, không nhấn mạnh cụ thể, rõ nét. Tài nguyên đặc sắc tới đâu hay tới mức độ nào thì phải chi tiết, mô tả được vẻ đẹp của nó trong dữ liệu. Đó mới là giá trị của tài nguyên du lịch.
Ví dụ, Hạ Long là một di sản được UNESCO công nhận nhưng những giá trị của Hạ Long đã được chúng ta kiểm kê ở mức độ nào? Kiểm kê ở đây không phải chỉ ở trong một cuốn sách, tập tư liệu, hồ sơ trong bảo tàng mà phải được cụ thể hóa bằng việc khách có có thể cảm nhận được, nhìn thấy được và sờ thấy được hay không.
Thứ hai, triển khai chiến lược phát triển du lịch một cách triệt để. Chúng ta cần phải nhìn vào thực tế, chiến lược thì có nhưng đã được thực hiện một cách nghiêm túc chưa hay vẫn chỉ là hô hào, làm một cách hời hợt. Có báo cáo, kết quả nhưng không thực chất. Bệnh hình thức trong báo cáo đang che lấp rất nhiều mục tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành du lịch, làm chậm tiến trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Thứ ba là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Với các ngành thông thường, chúng ta mang hàng hóa đến với người tiêu dùng, nhưng với ngành du lịch thì ngược lại – chúng ta mời khách tới tiếp cận với hàng hóa, sản phẩm. Mời ai, người nào, đến đâu, từng khách thích điều gì chúng ta phục vụ tận nơi điều đó, chứ không phải cho tất cả du khách ăn một món giống nhau, thập cẩm. Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá, nghiên cứu sản phẩm cần phải có một chiến lược đồng bộ.
Vấn đề cuối cùng, cốt lõi của ngành du lịch là chất lượng dịch vụ. Nó bao gồm cả người làm du lịch và người không làm du lịch. Vì ngành dịch vụ như “làm dâu trăm họ”, phải hiểu khách muốn gì, dâng những thứ khách cần, đúng với chân giá trị của Việt Nam chứ không phải những sự giả tạo, bắt chước, hình thức. Du khách đến một điểm nào đó là để khám phá văn hóa vùng đất đó, sự chân thực, thô mộc, chứ không phải giá trị ảo, đó không phải là thực chất của điểm đến.
Tôi cũng rất phản đối tư duy nhìn thấy khách là nhìn thấy túi tiền. Làm du lịch giỏi sẽ không đề cập tới chuyện khách chi tiêu nhiều hay ít, mà phải mong khách hứng thú với những gì chúng ta có và gửi tới cho họ. Ấn tượng trong lòng du khách mới là điểm cốt lõi, từ đó sẽ thu được tiền.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
07:20, 17/01/2020
07:20, 12/01/2020
07:21, 23/12/2019