21/11/2024 | 21:30 GMT+7, Hà Nội

Ngành du lịch Việt 2019 thực sự đi xa hơn kỳ vọng

Cập nhật lúc: 23/12/2019, 07:21

Năm 2019, du lịch Việt được nâng hạng năng lực cạnh tranh và bội thu giải thưởng nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

"Bội thu" giải thưởng...

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón 78,5 triệu lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện hàng không đạt hơn 13 triệu lượt khách (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018); đường biển đạt 232.431 lượt khách (tăng 13,7 % so với cùng kỳ năm 2018); phương tiện đường bộ đạt 3.060.860 lượt khách (tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đã công bố báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140 so với năm 2017. Với thứ hạng 63/140, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore (17), Thái Lan (31), Malaysia (29), Indonesia (40); trên Brunây (72), Philippin (75), Lào (97) và Campuchia (98).

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt. Ảnh: Tổng Cục Du lịch

Có thể thấy, năm 2019 du lịch Việt Nam so với các năm trước có bước tăng trưởng tích cực. Hình ảnh Việt Nam đã được tô đậm trên bản đồ du lịch thế giới. Không chỉ là bảng xếp hạng trên mà còn hàng loạt giải thưởng quốc tế dành cho ngành du lịch Việt. 

Vào cuối tháng 11, ngành Du lịch Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA). Chưa kể đến rất nhiều giải thưởng du lịch nhỏ lẻ như: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, điểm đến hàng đầu châu Á 2019, điểm đến Golf tốt nhất châu Á 2019, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019... Cùng với đó là hàng chục giải thưởng quốc tế khác giành cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, du lịch tại những điểm du lịch hàng đầu như Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc...

Tính đến hết quý II/2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách quốc tế đến cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Indonesia, sau Thái lan, Malaysia và Singapore.

Năm qua, du lịch Việt Nam cũng có những cải thiện đáng kể để hòa nhập với du lịch thế giới. Tổng cục Du lịch với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành thẻ du lịch dành cho khách. Nhờ chiếc thẻ này, khách du lịch sẽ thuận tiện hơn trong thanh toán, mua vé di chuyển hay vé tại các điểm du lịch, thăm khám, bảo hiểm hay đi lại...

Ngành du lịch Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì và phối hợp.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam đang có mức tăng trưởng ấn tượng và cao hơn mức bình quân chung của thế giới cũng như trong khu vực. Việc Việt Nam được công nhận và tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá đẳng cấp thế giới cùng những con số ấn tượng mà du lịch Việt Nam đạt được trong năm 2019 đã khẳng định sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư thúc đẩy du lịch.

"Ngành du lịch Việt Nam thực sự đi trước, đi xa hơn rất nhiều từ kỳ vọng của Chính phủ"

Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban IV, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, “Ngành Du lịch của Việt Nam đang thay đổi liên tục. Nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi khi có sự xuất hiện của Internet. Du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Đặc biệt, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách, thay đổi cách tiếp cận”.

Hơn nữa, Việt Nam cũng có nhiều chương trình phát triển du lịch như Diễn đàn cấp cao du lịch. “Trong năm thứ hai tổ chức, diễn đàn đã hoàn thành các mục tiêu như kết nối các tổ chức, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong nước với nhau, doanh nghiệp với các chuyên gia. Nhiều kết nối, hợp tác đã diễn ra trong và ngoài diễn đàn, dự báo thu được kết quả tốt đẹp”.

“Ngành du lịch Việt Nam thực sự đi trước, đi xa hơn rất nhiều từ kỳ vọng của Chính phủ”, ông Kiên nhận định.

... nhưng vẫn còn hạn chế

Tuy nhiên, trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2019, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch thừa nhận, song song với sự tăng trưởng nóng, ngành du lịch còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm đơn điệu.

Hạn chế của du lịch Việt Nam là tự phát và không được quản lý bài bản dẫn đến việc tổ chức du lịch còn manh mún và chưa chuyên nghiệp sẽ làm phát sinh những vấn đề liên quan.

Đó chính là nguyên nhân khiến hoạt động du lịch đang phải đối mặt với rất nhiều hạn chế như ô nhiễm, cảnh quan bị xâm hại và công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch chưa cao.

Như vụ quán cà phê ở Hội An xua đuổi khách Việt chỉ tiếp khách tây, Blogger Úc xếp Sa Pa vào một trong 10 điểm đến thất vọng nhất trên thế giới, một số hàng quán ở các địa điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam bị phàn nàn vì chặt chém khách...

Hội An lung linh về đêm. (Ảnh: Du lịch Việt Nam)

Một vấn đề nữa là tình trạng thiếu ý thức xả rác khắp mọi nơi cũng khiến cho hình ảnh các điểm du lịch nổi tiếng bị xấu đi. Tại vịnh Hạ Long, số rác thu gom hàng năm trên vịnh hơn 1.000 tấn, hầu hết là đồ nhựa như vỏ chai lọ, túi nilon, phao xốp. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới.

Về những giải pháp để phát triển du lịch Việt, ông Trần Trọng Kiên đặc biệt nhấn mạnh tới việc truyền cảm hứng cho khách du lịch tới Việt Nam để làm sao tăng lượng khách quay trở lại. “Trong khi chúng ta còn eo hẹp về kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thì thay vì phải tốn nhiều tiền để tổ chức các sự kiện ở quốc tế cần làm sao để chính khách du lịch quảng bá thay cho chúng ta. Để làm được điều đó thì cần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, môi trường du lịch lành mạnh, an toàn…

"Tạo cho khách du lịch có những trải nghiệm tốt để họ quảng bá, chia sẻ với mọi người. Năm nay chúng ta có 18 triệu lượt khách quốc tế thì sẽ có khoảng 180 triệu khách tiềm năng, bởi những vị khách chia sẻ thông tin, cảm nhận sau khi trải nghiệm du lịch ấn tượng tốt đẹp tại Việt Nam", ông Trần Trọng Kiên nói.

Và tất nhiên để du khách làm được điều đó thì Việt Nam cần có một nền tảng du lịch thật hoàn chỉnh từ cơ sở hạ tầng cho đến ý thức của người dân vùng du lịch.