20/01/2025 | 00:53 GMT+7, Hà Nội

Công ước chống tra tấn: Hiểu “tra tấn” thế nào?

Cập nhật lúc: 17/04/2019, 10:30

Mục tiêu chính của Công ước là đề ra các nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên để thiết lập và thực thi thẩm quyền pháp lý đối với tội tra tấn.

Công ước còn đặt ra các nghĩa vụ đáng kể đối với các quốc gia để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tra tấn và thực thi việc bồi thường cho các nạn nhân của tra tấn. Tra tấn được hiểu là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.

Tuy nhiên, Điều này cũng nêu rõ, khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp. Như vậy, có thể thấy các yếu tố cơ bản cấu thành hành vi tra tấn bao gồm: Mức độ nghiêm trọng của sự đau đớn và chịu đựng về thể chất hoặc tinh thần, hành vi do cơ quan công quyền gây ra hoặc tán đồng, ý định chủ quan (lỗi cố ý) của chủ thể gây ra hành vi nhằm hướng đến một mục đích cụ thể (để nạn nhân thú tội, để lấy thông tin…), sự đau đớn hoặc chịu đựng không phải xuất phát từ các chế tài, hình phạt hợp pháp.

cong uoc chong tra tan hieu tra tan the nao

Ảnh minh họa

Về sau này, trong Bình luận chung số 20 (vào năm 1990) của HRC, Ủy ban này sau khi xác định mục đích của Điều 7 ICCPR là để bảo vệ cả phẩm giá và sự bất khả xâm phạm về thể chất và tinh thần của các cá nhân (đoạn 1), đã làm rõ thêm khái niệm tra tấn. HRC phân biệt giữa các hành động tra tấn và hành động đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục phụ thuộc vào bản chất, mục đích và tính chất nghiêm trọng của hành vi. HRC cho rằng không cần thiết phải đưa ra các ví dụ hay tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa các hành động đó (đoạn 4). Theo Ủy ban, về dấu hiệu khách quan, hành vi tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nêu trong Điều 7 không chỉ là những hành động gây ra những đau đớn về thể xác, mà còn bao gồm những hành động gây đau khổ về tinh thần với nạn nhân. Những hành động đó không chỉ nhằm mục đích để trừng phạt, mà còn nhằm mục đích để giáo dục, rèn luyện một đối tượng nào đó.

Có một định nghĩa khác về tra tấn được nêu ra gần đây trong Điều 7 Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Theo đó: “Tra tấn” là cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ về thể xác hoặc tinh thần cho người đang bị giam giữ hoặc đang chịu sự kiểm soát của cá nhân bị buộc tội; trừ trường hợp sự đau đớn hoặc đau khổ xuất phát, gắn liền hoặc liên quan đến các hình phạt hợp pháp. [6] Định nghĩa này rõ ràng rộng hơn so với định nghĩa của CAT vì không nhắc đến mục đích của hành vi hay chủ thể là công chức nhà nước liên quan. Ở đây, chủ thể mà Quy chế ICC hướng đến là các cá nhân chứ không phải nhà nước.

Cạnh “tra tấn”, để phân biệt với đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục (hạ thấp nhân phẩm - CIDT), thường được coi là gây ra mức độ đau đớn thấp hơn so với tra tấn, khoản 1 Điều 16 của CAT cũng đã xác định: Mỗi quốc gia thành viên cam kết ngăn ngừa trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình những hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục khác mà chưa đến mức tra tấn như định nghĩa ở Điều 1, khi những hành vi này do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức thực hiện, hoặc do xúi giục, đồng tình hay ưng thuận.