23/11/2024 | 02:42 GMT+7, Hà Nội

Công ty tài chính nỗ lực trở lại

Cập nhật lúc: 24/05/2024, 17:32

Sau năm 2023 đầy khó khăn, các công ty tài chính lên kế hoạch kinh doanh 2024 với những mục tiêu khá tham vọng.

Mục tiêu lợi nhuận cao

Thông tin về tình hình hoạt động của Mcredit (công ty tài chính trực thuộc MB), ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho hay, năm 2023, công ty này lãi 300 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Mcredit đã giảm từ mức 40% trong năm 2022 về mức 8% trong năm qua.

Bước sang năm 2024, dự báo thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn, Mcredit ưu tiên cho vay nhóm khách hàng có dữ liệu (từ ngân hàng mẹ). Công ty cũng đang điều chỉnh mô hình thu nợ, phối hợp với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng xử lý nợ. Mục tiêu của Mcredit năm nay là lợi nhuận cao gấp đôi so với năm 2023.

Tại HD Saison (công ty tài chính HDBank nắm 49% vốn), theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 17.593 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 16.086 tỷ đồng; hệ số an toàn vốn (CAR) là 22,5%, vượt xa quy định tối thiểu 9% của Ngân hàng Nhà nước. Công ty báo lãi trước thuế 660 tỷ đồng trong năm 2023.

Theo bà Thảo, năm qua, HD Saison giành ngôi vị quán quân lợi nhuận trong ngành, điều này phản ánh hành trình hàng chục năm Công ty đã hoạt động đúng chuẩn mực tài chính tiêu dùng, cung cấp các khoản vay đúng nhu cầu của khách hàng, như vay mua xe máy, điện thoại, với trị giá bình quân khoảng 10 triệu đồng mỗi khoản. Đồng thời, công tác quản lý nợ xấu được Công ty thực hiện tốt, nợ xấu không có tình trạng vượt quá kiểm soát, từ đó lợi nhuận tăng trưởng.

Không tiết lộ con số cụ thể, song bà Thảo cho biết, mục tiêu của HD Saison trong năm 2024 là tiếp tục duy trì vị trí công ty dẫn đầu về lợi nhuận trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng nhưng ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, do ảnh hưởng khó khăn trong năm 2023, hầu hết các công ty đều sụt giảm thu nhập, FE Credit có quy mô lớn nhất nên phải gánh chịu nhiều nhất.

"Hai năm qua, tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng còn chưa đầy đủ, bởi sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Mặt trái của một số biện pháp siết nợ của tín dụng đen khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả", ông Vinh nói.

Năm nay, FE Credit đặt mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến vượt 66.500 tỷ đồng. Đây là kế hoạch kinh doanh khá tham vọng của công ty tài chính này sau hai năm 2022 - 2023 thua lỗ nặng. Việc bắt đầu có lãi trong quý IV/2023 là tham chiếu quan trọng cho kế hoạch kinh doanh 2024 của FE Credit. Theo ông Vinh, tính tới cuối năm 2023, Công ty đã giải ngân cho 15,6 triệu khách hàng, trong đó có 5,9 triệu khách hàng hiện hữu đang tiếp tục sử dụng dịch vụ tài chính của Công ty.

Chu kỳ tăng trưởng mới

Việc FE Credit đặt mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 không phải không có cơ sở khi lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Đồng thời, theo CEO Nguyễn Đức Vinh, sự hỗ trợ của VPBank về hệ thống, nhân sự, chiến lược và quan trọng hơn là về vốn đã tạo ra chi phí vốn (COF) thấp hơn cho FE Credit.

Trong một năm qua, VPBank đưa COF từ mức 9 -11%/năm xuống 6 - 7%/năm, cao hơn COF các ngân hàng nhưng ở mức thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Điều này cho phép FE Credit nhắm vào nhóm khách hàng có mức độ rủi ro thấp hơn. Đáng chú ý, VPBank đưa ra dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng, còn hiện tại phải đa dạng hoá các mảng kinh doanh, hạn chế phụ thuộc vào tài chính tiêu dùng.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã đối diện với một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng 11,3% so với năm trước. Đây là mức tăng khiêm tốn khi so sánh với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 25%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt hơn 10% GDP, thấp hơn rất nhiều so với một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Hàn Quốc hơn 40% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) hơn 20%... Bên cạnh đó, FiinGroup nhận định, với triển vọng phục hồi đậm nét của nền kinh tế, năm 2024 sẽ mở đường cho sự phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng, dựa trên sức mua mở rộng, nhu cầu tín dụng gia tăng và thu nhập hộ gia đình cải thiện.

Đồng thời, các chuyên gia của FiinGroup cũng cho rằng, năm 2024 sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng tín dụng mới, đề cao sự cẩn trọng trong hoạt động giải ngân, hướng tới lộ trình tăng trưởng bền vững, thay vì tăng trưởng nóng như mấy năm qua.

Quả thực, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã cải thiện dần trong quý đầu năm nay. Sau một năm gặp nhiều thách thức, VietCredit đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 phản ánh sự bình ổn trở lại của hoạt động tài chính cũng như tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý I/2024 của VietCredit đạt 64,3 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3/2024 ghi nhận 6.317 tỷ đồng; trong đó, cho vay khách hàng đạt 4.151 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 8,8 tỷ đồng, chỉ tương đương 16,3% cùng kỳ năm trước, nhưng đây là quý thứ hai liên tiếp VietCredit ghi nhận lợi nhuận dương sau chuỗi báo lỗ trước đó. Điều này phản ánh dấu hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh của Công ty.

VietCredit cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp quản trị rủi ro thông minh và kiểm soát chi phí một cách chặt chẽ. Đồng thời, Công ty cũng sẽ tập trung phát triển khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh bán mới các sản phẩm trọng tâm có sự cân bằng tốt nhất giữa các yếu tố: biên lợi nhuận - tỷ lệ phê duyệt - hiệu suất bán hàng của đội ngũ bán hàng - cạnh tranh với các đối thủ - phù hợp với các yếu tố vĩ mô.

Năm 2024, VietCredit đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng đạt 5.183 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12,2% và 131,5% so với năm trước. Điều này phản ánh Công ty không chỉ dừng lại ở việc phục hồi mà còn kỳ vọng đạt sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Nhờ nền tảng vững chắc, Home Credit Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số. Đáng chú ý, công ty này còn được kỳ vọng sẽ có bước chuyển mình sau khi về tay SCB X (Thái Lan) vào cuối tháng 2/2024, với giá trị thương vụ gần 21.000 tỷ đồng.

Trước đó, kết thúc năm 2023, Home Credit Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế 375 tỷ đồng, tương đối khiêm tốn so kết quả kinh doanh của các năm trước, do ảnh hưởng chung của thị trường giữa bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Song kể từ quý IV/2023, Công ty đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường và sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong quý I/2024.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trải qua một năm khó khăn, kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng năm nay sẽ dần được cải thiện hơn. Một phần, tăng trưởng kinh tế năm nay tốt hơn, thu nhập của người dân tốt hơn, từ đó mở rộng chi tiêu và nhu cầu vay vốn sẽ tăng lên. Mặt khác, mặt bằng lãi suất cho vay đã về mức hợp lý hơn.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng là yêu cầu mà cơ quan quản lý đặt ra với các ngân hàng, công ty tài chính trong năm nay, nhằm qua đó kích cầu sức mua, kích thích nền kinh tế hồi phục.

Nguồn: https://reatimes.vn/cong-ty-tai-chinh-no-luc-tro-lai-20224070917160345.htm