19/01/2025 | 02:42 GMT+7, Hà Nội

Công ty đa cấp "sập": Đòi lại tiền bằng cách nào?

Cập nhật lúc: 21/03/2016, 16:25

Bộ Công Thương vừa có hướng dẫn các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định: Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), Bộ Công Thương, thông qua Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) có thể sẽ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC (Giấy chứng nhận) của một số doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp BHĐC không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia BHĐC trong mạng lưới BHĐC của doanh nghiệp. 

Công ty Đại Hưng 668 chính thức bị rút giấy phép.

Công ty Đại Hưng 668 chính thức bị rút giấy phép.

Để bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp doanh nghiệp BHĐC bị thu hồi Giấy chứng nhận, các nhà phân phối và người tham gia BHĐC có thể và nên tiến hành các bước sau:

Bước 1: Nhanh chóng liên hệ với doanh nghiệp theo địa chỉ ghi tại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết quyền lợi

Theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, các nhà phân phối và người tham gia BHĐC có quyền:

1- Yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng các điều kiện sau: 

- Hàng hóa còn hạn sử dụng;

- Hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn;

- Yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. 

Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà nhà phân phối/người tham gia BHĐC đã trả để nhận được hàng hóa đó (có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác đã trả cho nhà phân phối liên quan đến lượng hàng hóa được trả lại đó).

2- Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong quá trình tham gia hoạt động BHĐC mà doanh nghiệp chưa chi trả.

3- Yêu cầu doanh nghiệp giao hàng hóa cho mình nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng.

Bước 2: Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền 

Trường hợp nhà phân phối/người tham gia BHĐC đã liên hệ và thực hiện Bước 1 nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng:

- Nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, nhà phân phối/người tham gia BHĐC cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc

- Nhà phân phối/người tham gia BHĐC có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, nhà phân phối/người tham gia BHĐC có thể liên hệ với Cục QLCT và các Sở Công Thương tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ./.