24/01/2025 | 16:55 GMT+7, Hà Nội

Công ty CP Đấu giá và Thương mại Thăng Long: 7 đơn vị tham gia đấu giá, đơn vị thứ 8 thắng cuộc?

Cập nhật lúc: 05/05/2019, 06:00

Theo lời của những khách hàng tham gia phiên đấu giá tàu VNL Ruby ngày 26/4/2019, quy trình đấu giá còn thiếu minh bạch, nhiều nghi vấn cần làm rõ.

Cụ thể, Công ty CP Đấu giá và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long), trụ sở tại số 54 đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đã tổ chức đấu giá tàu chở container mang tên VNL RUBY có trọng tải toàn phần là 25.793,3 tấn. Con tàu này do Chi cục thi hành án dân sự quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) là chủ tài sản. Giá khởi điểm là 112.806.189.000 đồng và tiền đặt trước khi tham gia đấu giá là 12.000.000.000 đồng (12 tỷ đồng).

Tại biên bản đấu giá ngày 26/4/2019, có tất cả 8 đơn vị tham gia đấu giá bao gồm: Công ty TNHH sản xuất dây đồng Phúc Kiên (Bắc Ninh), Công ty CP sản xuất và thương mại thép HPS (Hải Phòng), Công ty TNHH vận tải biển Ngôi Sao (Thái Bình), Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An (Hà Nội), Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thái Anh (Bắc Ninh), Công ty Minh Chí (Bắc Ninh), Công ty TNHH thương mại SHT (Hải Phòng) và Công ty TNHH thương mại du lịch và bất động sản Phú Vinh (Hà Nội).

Theo kết quả công bố tại buổi đấu giá, đơn vị trả giá cao nhất là Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An (Công ty Hải An) với số tiền là 113.206.189.000 đồng (cao hơn giá khởi điểm 1 tỷ 200 triệu đồng) và trở thành đơn vị trúng đấu giá vì trả giá cao nhất. Tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị tham gia đấu giá, quy trình đấu giá đang có nhiều dấu hiệu bất thường, không minh bạch.

Anh H. đại diện 1 trong 7 đơn vị tham gia đấu giá cho biết, ngay từ những giai đoạn đầu tiên đã có sự thiếu minh bạch trong công tác đăng tải thông tin và bỏ phiếu đấu giá kín. Cụ thể, lần thứ 1 và 2 thì được đăng tải thông tin trên Báo Đấu Thầu, tuy nhiên, đến lần 3, 4 và 5 thì lại không đăng Báo nữa mà lại chuyển sang đăng “kín” khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể biết được để mua hồ sơ. Đồng thời, theo quy định thì thông tin đấu giá sẽ được niêm yết tại chính nơi có tài sản, tuy nhiên, khi một số đơn vị có xuống xem tàu VNL RUBY thì không thấy niêm yết đâu?

Tại lần thông báo thứ 4, thời gian bán hồ sơ và trình tự làm thủ tục bán lại tài sản của Công ty Thăng Long là từ ngày 13/4/2019 đến 16 giờ ngày 16/4/2019 là hết hạn. Thế nhưng, điều đáng nói là từ ngày 13 cho đến ngày 15 thì lại trùng vào ngày nghỉ lễ nên thời hạn mua hồ sơ chỉ còn duy nhất 1 ngày là ngày 16/4/2019.

Theo anh H., tại buổi bỏ phiếu đấu giá ngày 24/4/2019, sau khi hết hạn bỏ phiếu thì chỉ có 7 đơn vị bỏ phiếu, bao gồm: Công ty TNHH sản xuất dây đồng Phúc Kiên, Công ty CP sản xuất và thương mại thép HPS, Công ty TNHH vận tải biển Ngôi Sao, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thái Anh, Công ty Minh Chí, Công ty TNHH thương mại SHT và Công ty TNHH thương mại du lịch và bất động sản Phú Vinh.

Thùng bỏ phiếu ngày 24/4/2019 chỉ có 7 đơn vị tham gia bỏ phiếu

Thùng bỏ phiếu ngày 24/4/2019 chỉ có 7 đơn vị tham gia bỏ phiếu

Điều đặc biệt là trong quá trình bỏ phiếu kín, hai nhân viên của Công ty Thăng Long là ông Lê Thế Hiệp và ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng chứng kiến, công nhận chỉ có 7 đơn vị đã đặt cọc và bỏ phiếu vào trong hòm đựng phiếu. Khi các đơn vị ký vào niêm phong và đưa ra ý kiến lập biên bản niêm phong hòm phiếu thì ông Hiệp và ông Thắng cho rằng không cần thiết.

Tuy nhiên, đến ngày 26/4/2019, Công ty Thăng Long lại thông báo là có 8 đơn vị đã tham gia bỏ phiếu, khiến 7 đơn vị còn lại vô cùng bất ngờ vì không hiểu tại sao lại “mọc” ra Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An?. Anh H. cùng một số đại diện các đơn vị khác đã xem lại tem niêm phong và thấy có dấu hiệu không nguyên vẹn, bị sai lệch với ban đầu. Tuy nhiên, khi định sử dụng điện thoại để quay hình, chụp ảnh lại buổi đấu giá thì anh H. bị nhắc nhở, yêu cầu không quay, chụp do vi phạm Điều 6 của Quy chế đấu giá tài sản: “không sử dụng điện thoại di động hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào trong buổi đấu giá.”

Không những vậy, nghi vấn được đẩy lên cao hơn khi Giám đốc của Công ty Thăng Long, bà Lương Thị Tâm đưa ra biên bản niêm phong lập lúc 16h30 ngày 24/4/2019, trong khi đã có 7 đơn vị đã niêm phong hòm phiếu và ra về lúc 17h20 cùng ngày? Đồng thời, 7 đơn vị tham gia đấu giá trên đã yêu cầu mời cơ quan giám định đến để giám định tem niêm phong nhưng không được chấp thuận.

Đại diện Công ty Thăng Long cho rằng đã làm đúng luật

Ngày 3/5/2019, phóng viên (pv) đã có cuộc gặp và trao đổi với đại diện của Công ty Thăng Long, ông Lê Thế Hiệp - đồng thời là 1 trong 2 nhân viên của công ty có mặt tại phòng bỏ phiếu kín ngày 24/4/2019.

Theo ông Hiệp, phía Công ty Thăng Long đã tiến hành quy trình đấu giá tài sản hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Ông Hiệp khẳng định, Công ty Hải An là đơn vị đã tham gia đấu giá và đặt cọc từ ngày 16/4 và hoàn toàn hợp lệ như 7 đơn vị còn lại. Không chỉ có Công ty Hải An mà còn 2 đơn vị khác, tuy nhiên vì một vài lý do mà chỉ có Công ty Hải An được bảo lưu, tiền đặt cọc cũng không rút về nên được tiếp tục tham gia phiên đấu giá ngày 26/4.

Đối với thông tin về hòm đựng phiếu niêm phong và số lượng các đơn vi tham gia, ông Hiệp cho rằng các đơn vị không có chứng cứ về việc có 7 hay 8, 9 đơn vị bỏ phiếu trong hòm. Việc có 7 hay 9 đơn vị thì chỉ có chủ tài sản hay Công ty Thăng Long mới biết được.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc các đơn vị bị cấm ghi hình, chụp ảnh thì ông Hiệp lại trả lời hoàn toàn ngược lại với phản ánh của anh H., rằng Công ty Thăng Long không hề cấm các đơn vị quay hình, chụp ảnh hay gọi đơn vị giám định hòm phiếu. 

Khi được pv đưa ra Biên bản mở niêm phong hòm phiếu ngày 26/4, với ý kiến của các đơn vị tham gia thể hiện rõ việc bị cơ quan đấu giá ngăn cản mời giám định thì ông Hiệp lại nói: “Các đơn vị đó phải đưa ra lý do chính đáng. Bên mình (Công ty Thăng Long) vẫn để các đơn vị có thời gian chụp ảnh quay phim lại, gọi đơn vị giám định. Tuy nhiên các đơn vị không gọi giám định nên không có ai đến. Ai là người yêu cầu thì phải gọi giám định.”

Các đơn vị đều phản ánh việc bị ngăn cản giám định hòm đựng phiếu?

Đồng thời, theo ông Hiệp thì: “Trong luật của nó, cái hòm phiếu là công ty lập biên bản để niêm phong hòm phiếu, thực ra cái dán hòm phiếu không phải là vấn đề gì quan trọng. Quan trọng là cái phiếu trả giá của người ta có bị bóc, xé trước hay không... Có người không cần cho vào hòm phiếu, có người nộp trực tiếp, có người nộp qua bưu điện...

Theo quy định tại Điều 43 Luật đấu giá 2016: Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu phải được niêm phong ngay khi hết thời hạn nhận phiếu ... Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá mời ít nhất một người tham gia đấu giá giám sát về sự nguyên vẹn của thùng phiếu. Nếu không còn ý kiến nào khác về kết quả giám sát thì đấu giá viên tiến hành bóc niêm phong của thùng phiếu.

Như vậy, Công ty Thăng Long có phớt lờ quy định trong Luật đấu giá khi mà không chỉ 1 mà tận 7 đơn vị có ý kiến về niêm phong của hòm phiếu, nhưng vẫn tiến hành bóc niêm phong và công bố kết quả đấu giá? Nếu như “hòm đựng phiếu” không phải là “vấn đề quan trọng” thì quy định pháp luật đặt ra để làm gì? Có còn cần thiết phải quy định về niêm phong hòm đựng phiếu nữa hay không?

Trong khi việc niêm phong hòm phiếu là để tránh xuất hiện có đơn vị “móc nối” bỏ phiếu sau khi hết thời hạn nhận phiếu, dẫn đến việc thay đổi kết quả đấu giá, đảm bảo sự công bằng, minh bạch thì Công ty Thăng Long lại hoàn toàn xem thường? Điều 6 Quy chế đấu giá tài sản do Công ty Thăng Long đặt ra cũng quy định các bên "không tranh luận với hội đồng bán đấu giá với bất kỳ lý do nào" - vậy trường hợp Công ty Thăng Long cố tình làm sai thì cũng không đơn vị tham gia đấu giá nào được phép có ý kiến?

Liệu có hay không việc Công ty Thăng Long lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để ưu ái cho một đơn vị khác, đảm bảo trúng đấu giá? Ngay tại trung tâm Thủ đô, một doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long liệu có đang thực hiện hành vi gian dối, trục lợi từ việc móc nối, bán đấu giá tài sản? Đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội, Cơ quan Công an kinh tế vào cuộc, làm rõ vụ việc.