19/01/2025 | 15:11 GMT+7, Hà Nội

Cộng đồng quốc tế ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội

Cập nhật lúc: 26/02/2019, 16:52

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 diễn ra đúng thời điểm 20 năm Hà Nội được trao tặng “Thành phố vì hòa bình”. Là Thủ đô hơn một nghìn năm tuổi, Hà Nội thực sự là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế.

Những đóng góp tích cực của Thủ đô

“Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao cho Hà Nội ngày 16-7-1999, tại La Paz, Thủ đô của Bolivia. Vinh dự hơn, Hà Nội là TP duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón nhận danh hiệu này. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định, Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình” là nhờ vào những đóng góp tích cực của Thủ đô trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng TP. Những đóng góp ấy phù hợp với những tiêu chí do UNESCO đề ra về bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Crofft chia sẻ, Thủ đô Hà Nội đã khắc phục được hậu quả của chiến tranh để phát triển, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước. Bên cạnh đó, chính quyền của Hà Nội cũng đã và đang đưa ra những chính sách nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Ông Michael Croft nói, UNESCO đã đưa ra một chiến lược sâu rộng trong 2 năm (2019 - 2020) tại Việt Nam gồm các chương trình, dự án có ý nghĩa, tác động sâu rộng trên các lĩnh vực mà UNESCO chú trọng. Theo đó, UNESCO đặc biệt coi trọng hợp tác với TP Hà Nội, nhất là nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Việt Nam. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một TP sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Theo đó, sáng kiến như phố đi bộ được hoan nghênh, trong khi Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ, cho thấy môi trường chính sách về tiềm lực nhân trí sĩ đều rất lớn.

“Hà Nội nhận danh hiệu này là hoàn toàn xứng đáng” - bà Natalia Shafinskaya - GĐ Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga chia sẻ nhân dịp năm 2019 đánh dấu chặng đường 2 thập kỷ vừa qua của Thủ đô với danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Theo bà Natalia, là trung tâm hành chính, kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã tạo một môi trường sống yên bình, cởi mở và thực sự ươm mầm cho sự phát triển. Đó là một vinh dự và cũng là thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu này để cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Với cộng đồng quốc tế, hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội là một TP luôn phát triển năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống.

cong dong quoc te an tuong truoc su chuyen minh cua ha noi
Hà Nội - Thủ đô với vẻ đẹp riêng, thanh bình.

Thành phố hàng đầu để tổ chức hội nghị quốc tế lớn

Hà Nội hiện là TP sở hữu nhiều danh hiệu UNESCO nhất ở Việt Nam. Với 3.840 di tích trên tổng số gần 40.000 di tích Việt Nam. Những di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội có thể kể đến: Phố cổ, Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng, thành Cổ Loa, Thăng long tứ trấn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Hỏa Lò; các chùa: Một Cột, Quán Sứ, Trấn Quốc, Non Nước, Hương, phủ Tây Hồ, đền Bạch Mã, Tây Phương, Trăm Gian và rất nhiều nhà cổ kính như nhà thờ: Lớn, Cửa Bắc, Hàm Long, Giáp Bát, Tin lành, Hồi giáo Thánh đường Jamia Al Noor…

Cùng với phong cảnh đẹp yên bình, điều cuốn hút của Hà Nội còn là nét ẩm thực, lễ hội. Các du khách và Hà Nội còn có nhiều không gian công cộng và nhiều công trình quốc gia lớn như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sân bay quốc tế Nội Bài, ga Hà Nội, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Khách sạn Sofitel Metropole, Hanoi Hilton Opera, Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Lao động, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục...

Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 1-2019, khách du lịch đến Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách du lịch quốc tế có lưu trú đến Hà Nội tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Một số điểm du lịch có số lượng khách tăng khá cao so với năm 2018, tiêu biểu là: Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, khu di tích danh thắng Hương Sơn, di tích nhà tù Hỏa Lò, khu du lịch sinh thái Thiên Sơn - Suối Ngà, làng cổ Đường Lâm, vườn thú Hà Nội, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Với cơ sở vật chất hiện có, kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN, Hội nghị ASEM 5, Hội nghị APE, Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA)… Hà Nội là TP hàng đầu Việt Nam để tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn.