19/01/2025 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Homestay: Loại hình du lịch nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng

Cập nhật lúc: 19/02/2019, 23:00

Nhiều năm trở lại đây, homestay đang trở thành xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tiện lợi, gần gũi với thiên nhiên, giá cả hợp lý là những yếu tố giúp loại hình này thu hút khách hàng. Cùng với đó là sự tiếp cận và ra đời của nhiều nền tảng công nghệ như Airbnb, Luxstay, Rakuten Lifull - tiền đề để loại hình này phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiều tiềm năng

Hiện nay, nhiều du khách không chỉ muốn đi du lịch chỉ để đơn thuần là nghỉ dưỡng mà còn muốn hòa nhập và khám phá bản sắc văn hóa địa phương. Do đó, nghỉ dưỡng ở homestay là lựa chọn rất được ưu tiên.

Các homestay thường được xây dựng theo phong cách ở trọ mộc mạc dân dã bằng cách cho khách đến lưu trú chung trong gia đình để trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

“Nhiều du khách đang có xu hướng lựa chọn loại hình du lịch lưu trú này. Do nguồn cầu lớn và ổn định nên đã đầu tư là có khách ngay, không khó cho quá trình thu hồi vốn và có lãi. Vì vậy, hình thức kinh doanh homestay có rất nhiều tiềm năng để phát triển lâu dài”, ông Vũ An Dân, Viện Du lịch, Đại học Mở Hà Nội nhận định.

Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế lựa chọn homestay không chỉ muốn hòa nhập cùng với thiên nhiên, bản sắc của địa phương mà còn vì giá của homestay tốt hơn rất nhiều so với các loại hình nghỉ dưỡng khác. Chỉ từ 300 nghìn đến 3 triệu đồng, khách hàng đã có một căn homestay với đầy đủ tiện nghi, phục vụ cho một kỳ nghỉ thư giãn và thoải mái.

Homestay đang rất được ưa chuộng.

Homestay đang rất được ưa chuộng.

Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 20% so với năm 2017. Tại các điểm du lịch vùng núi đồi như Sa Pa, Mộc Châu, Đà Lạt, sự gia tăng khách du lịch đã kéo theo tình trạng “cháy phòng” homestay nghỉ dưỡng.

Vào thời điểm hiện tại, phân khúc khách hàng của loại hình du lịch homestay chủ yếu là giới trẻ, năng động, ưa khám phá và sử dụng công nghệ rất thành thạo. Vì vậy, sự ra đời của của các nền tảng công nghệ như Airbnb, Luxstay, Rakuten Lifull đã rút gắn khoảng cách của họ đến với dịch vụ homestay. Những nền tảng công nghệ này cũng sẽ là tiền đề để phát huy tiềm năng du lịch homestay ở Việt Nam trong thời gian tới.

Với những tiềm năng sẵn có trên, năm 2019 được dự báo là một năm tươi sáng với thị trường homestay Việt Nam không chỉ ở các khu du lịch mà còn ở các thành phố lớn.

Cần thay đổi để phát triển bền vững

Một trong những lợi thế của việc đầu tư homestay là chi phí xây dựng phòng không cao do được làm từ các vật liệu rẻ như tre, nứa; đất cũng không phải mua hoặc thuê lại, nhưng công đoạn đầu tư thêm vật nuôi, cây trồng, cải tạo đất đai để tạo không khí mộc mạc dân dã cũng khá vất vả. Các hộ kinh doanh mang tính chất tự phát ngày càng đông nên một số homestay chưa bảo đảm điều kiện kinh doanh vẫn còn tràn lan. Bên cạnh đó, giá cả cho thuê có thể tăng giảm theo mùa dẫn đến tình trạng loạn giá cả, tăng vọt trong những tháng cao điểm. Các yếu tố này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng cho các homestay đạt tiêu chuẩn.

Do vậy, theo các chuyên gia, để đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài cho mô hình này, các chủ đầu tư cần lưu ý, con người vẫn là chủ yếu và quan trọng hàng đầu. Dù mô hình có tự động hóa nhưng sự gắn kết giữa con người với nhau vẫn là sự quyết định thành công khi đầu tư vào mô hình này.

"Hiện nay, những nhân sự có ngoại ngữ tốt là một lợi thế. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ cho khách phải như những người trong gia đình mình thì mới có thể giữ chân khách lâu dài. Kiến thức kinh doanh bài bản cũng là điều nhà đầu tư nên học hỏi nhiều trước khi hoạch định kế hoạch kinh doanh homestay", một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cho biết.

Bên cạnh đó, homestay cần được xem là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không phải là dịch vụ lưu trú, bởi khi du khách thực sự hòa mình vào cuộc sống bản địa tự ăn ở để sinh hoạt, lao động thì mới thực sự trải nghiệm loại hình du lịch homestay. Chính vì thế, để làm được dịch vụ này cũng không hề dễ dàng, trong đó, yêu cầu chủ nhà phải là người am hiểu về văn hóa, thậm chí là người bản địa chứ không phải là nhà đầu tư.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn,Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng cho rằng: “Chúng ta cần thay đổi, cần phải có kế hoạch đào tạo kiến thức cho lực lượng lao động làm việc trong du lịch ở nhà dân, ban hành tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú. Nhà nước hỗ trợ kinh phí để các hộ gia đình phát triển các loại hình này. Đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức hỗ trợ; song song với biện pháp trên cần quảng bá du lịch”.

Theo đó, cần phải có hướng dẫn các hộ kinh doanh homestay cách tổ chức và phục vụ từng đoàn khách cụ thể, từ phòng nghỉ, các món ăn, điểm tham quan, đồng thời hướng dẫn khách trong cách sinh hoạt của gia đình. Cách trò chuyện với khách, giới thiệu văn hóa địa phương cũng như đất nước cũng cần được chú trọng. Nếu có thể hoàn thiện những điểm này, chắc chắn homestay ở Việt Nam có thể phát triển bền vững và sẽ bùng nổ hơn nữa trong năm tới.