20/01/2025 | 02:38 GMT+7, Hà Nội

Có thể bị phạt tới 100 triệu đồng khi mở thẻ ATM hộ người khác

Cập nhật lúc: 24/11/2019, 06:40

Chính phủ vừa bổ sung mức xử phạt mới tại Điều 28 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng tại Nghị định 88/2019 có hiệu lực từ ngày 31/12 tới.

Theo đó, để đảm bảo hoạt động thẻ ngân hàng an toàn, Chính phủ đã bổ sung một loạt quy định xử phạt mới liên quan tới lĩnh vực này.


Ảnh minh họa.

Trong đó, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng trên 10 thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến tối đa 100 triệu đồng.

Cùng với đó, các hành vi lấy cắp thông tin từ 10 thẻ ngân hàng trở lên; phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định; và thanh toán thẻ khi nhận được thông báo từ chối… cũng sẽ bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng.

Trường hợp mở hộ thẻ ATM cho người khác với số lượng từ 1 đến dưới 10 thẻ sẽ bị phạt tiền 30 - 50 triệu đồng. Các hành vi thu phụ phí, hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền bằng thẻ… cũng bị áp dụng khung hình phạt trên.

Nghị định mới vẫn giữ nguyên mức phạt tiền 100 - 150 triệu đồng với các hành vi cố tình giao dịch thẻ gian lận, giả mạo, đánh cắp dữ liệu, hay lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi…

Ngoài ra, các hành vi thanh toán bù trừ giao dịch thẻ không đúng quy định; chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code… cũng bị phạt tiền từ 100 triệu đến 150 triệu đồng.

Đối với các tổ chức phát hành thẻ là ngân hàng, tổ chức tín dụng nếu không thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng ATM, POS thường xuyên sẽ bị phạt cảnh cáo.

Nếu ngân hàng lắp đặt, thay đổi địa điểm, thời gian hoạt động của ATM mà không thông báo cho khách hàng và cơ quan quản lý, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

Trong trường hợp ATM không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng theo quy định của pháp luật, bộ phận hỗ trợ khách hàng không duy trì hoạt động 24/24h, và không giám sát mức tồn quỹ tại ATM để máy hết tiền… ngân hàng cũng sẽ bị phạt tối đa 15 triệu đồng.

Thực tế, tình trạng để máy ATM hết tiền thường xảy ra nhất vào mỗi dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán. Do đây là thời điểm nhu cầu tiền mặt của người dân tăng mạnh, ATM của ngân hàng tại các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân thường xuyên rơi vào tình trạng hết tiền dù ngân hàng tiếp quỹ liên tục.